Đây là cuộc đối thoại chính sách đầu tiên ở cấp trung ương được tổ chức từ khi Dự án V-SCOPE hoạt động với sự tham gia của gần 30 đại biểu là đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Sở Nông nghiệp các địa phương của Tây Nguyên, các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực mà Dự án triển khai, các viện nghiên cứu, các công ty tư nhân, các tổ chức quốc tế cùng các bên liên quan.

leftcenterrightdel
 Buổi đối thoại đã chia sẻ một số kinh nghiệm và các thử nghiệm đang được Dự án thí điểm

Tại buổi đối thoại, một số kinh nghiệm và các thử nghiệm đang được Dự án thí điểm đã được trình bày để chia sẻ và cung cấp một số bằng chứng, khuyến nghị trong khuôn khổ nghiên cứu của Dự án để làm cơ sở tham khảo cho những điều chỉnh theo hướng bền vững. Buổi đối thoại, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và đưa ra khuyến nghị, đề xuất liên quan tới (i) những chính sách thúc đẩy việc mở rộng ứng dụng các chế phẩm sinh học có hiệu quả cao nhằm bảo đảm một nền nông nghiệp an toàn và bền vững; (ii) khả năng thay đổi các hướng dẫn hiện hành về tưới tiêu hướng tới phù hợp với các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau ở Tây Nguyên trong hiện tại và theo kịch bản biến đổi khí hậu; (iii) giải pháp về phát triển liên kết chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu Việt Nam; (iv) các xu hướng bền vững của ngành cà phê toàn cầu cùng với hàm ý chính sách cho ngành cà phê của Việt Nam trong việc thích ứng với các phương pháp tiếp cận của các công ty cà phê trên thế giới đối với chuỗi cung ứng và quản lý khu vực nguồn cung.

Dựa trên những góp ý của đại biểu, Dự án sẽ hoàn thiện thêm nhằm đáp ứng được các yêu cầu của thực tế với kỳ vọng sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa cho việc hoàn thiện các chính sách, chương trình với mục tiêu mang lại đóng góp lớn hơn nữa cho ngành nông nghiệp nói chung và cho ngành sản xuất cà phê, hồ tiêu nói riêng.

---

Dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” (V-SCOPE) hướng tới nâng cao sinh kế cho các nông hộ nhỏ và cộng đồng nông thôn, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp sản xuất bền vững hơn, cũng như thúc đẩy chuỗi thị trường thực phẩm nông nghiệp toàn diện hơn thông qua hợp tác với khu vực tư nhân và nông dân. Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ và được Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF - còn gọi là World Agroforestry) chủ trì thực hiện, phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Phát triển Quốc tế Pháp (CIRAD), là bên cung cấp nhân sự cho Dự án.