Ngày 18/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Hội thảo nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế ngành hàng sen Đồng Tháp và xác định các giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích cho môi trường và kinh tế. Qua đó khuyến khích đầu tư, liên kết, hợp tác, quảng bá thương hiệu Sen Đồng Tháp đến thị trường trong và ngoài nước.

Đến tham dự và phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự phấn khởi khi ngành hàng sen của Đồng Tháp có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thông qua chế biến, các sản phẩm giá trị gia tăng từ sen của Đồng Tháp được đông đảo bạn bè trong và ngoài nước biết đến. Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành hàng sen Đồng Tháp vẫn còn hạn chế trong xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững, chưa nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao… Do do, trong khuôn khổ của buổi hội thảo hôm nay, Đồng Tháp mong muốn được lắng nghe nhiều hơn những chia sẻ, đóng góp từ các đại biểu, nhà khoa học để địa phương có định hướng tốt trong phát huy tiềm năng, lợi thế ngành hàng sen; xác định các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích cho môi trường và kinh tế.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, vùng trồng sen của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành với diện tích lớn, các huyện Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông mới phát triển gần đây. Đến cuối năm 2023, diện tích trồng sen toàn tỉnh đạt 1.838 ha (vượt 31,3% so với chỉ tiêu đến năm 2025 là 1.400 ha). Hiện đã sưu tập, nhân giống được 52 chủng loại giống sen. Giống sen trồng phổ biến nhất tại Đồng Tháp là giống sen hồng, sen lấy gương, sen lấy ngó. Với hơn 100 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm từ sen trong đó có 59 sản phẩm sen đạt OCOP.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo

Về quy trình canh tác bền vững, hướng tới chất lượng cao đảm bảo quá trình sản xuất sen được thực hiện một cách an toàn và tuần hoàn, từ việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cho đến xử lý và tái chế chất thải. Các biện pháp bảo vệ môi trường cần được tích hợp từ giai đoạn lập kế hoạch đến vận hành hàng ngày. Ngoài sản phẩm sen chế biến thức ăn, nước uống còn các sản phẩm tiềm năng từ sen như dùng trong mỹ phẩm như nước hoa sen, son sen; gia dụng hàng ngày gồm xà phòng sen, hương thắp sen hay dùng trong may dệt may, thời trang (tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi)….

Tại Hội thảo, đại biểu được các diễn giả, nhà khoa học chia sẻ nhiều giải pháp và góc nhìn mới trong việc nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh như: xu hướng công nghiệp chế biến, phát triển sản phẩm mới từ sen trong nền kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh; giải pháp mở rộng và tiếp cận khách hàng mới, cơ hội hợp tác quốc tế và xuất khẩu sen; nâng cao chuỗi giá trị trong phát triển du lịch sen với tư cách du lịch nông nghiệp góp phần quảng bá thương hiệu Đồng Tháp.

Tại Hội thảo, các chủ thể đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao năm 2023 được trao Giấy chứng nhận công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao và vinh danh sản phẩm OCOP 5. Theo đó, năm 2023, UBND tỉnh Công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt 4 sao OCOP tỉnh Đồng Tháp đối với 40 sản phẩm của 13 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh của tỉnh./.

Trí Tuệ 

Trung tâm DVNN tỉnh Đồng Tháp