Vụ Xuân năm 2024 là năm thứ 10 các địa phương trong tỉnh Hà Nam duy trì, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu, với 76 mô hình, tổng diện tích hơn 2.000 ha, tăng 3 mô hình so với vụ Xuân năm 2023.

Các cánh đồng mẫu của tỉnh đều đảm bảo tiêu chí về diện tích, tổ chức sản xuất cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Đa phần các cánh đồng đều cấy những giống lúa hàng hóa đang được thị trường ưa chuộng như: Bắc thơm số 7, ND502, VNR20, DV108, KD18…

Nhiều địa phương ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất và thu mua sản phẩm (chủ yếu là thóc tươi) ngay tại bờ ruộng cho người dân tại cánh đồng mẫu. Vụ Xuân năm 2023, sản lượng thóc tiêu thụ theo hợp đồng hơn 6.600 tấn, bằng 50,5% tổng sản lượng thóc của các cánh đồng mẫu trong tỉnh.

Là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, đến nay xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân đã xây dựng được 9 cánh đồng mẫu; trong đó, 2 cánh đồng có quy mô 30 ha/cánh đồng, 7 cánh đồng có quy mô 7 - 15 ha/cánh đồng.

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Mỹ cho biết, tất cả các cánh đồng mẫu đều thực hiện “3 cùng” trong sản xuất. Đó là cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc nên rất thuận lợi trong việc thực hiện cơ giới hoá vào sản xuất. Năng suất lúa trong cánh đồng mẫu đạt hơn 120 tạ/ha/năm, tăng khoảng 7% so với sản xuất bên ngoài của người dân.

Hợp tác xã tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cánh đồng mẫu với doanh nghiệp với giá ổn định nên bà con xã viên rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Một số cánh đồng còn được bố trí sản xuất vụ Đông, chủ yếu trồng bí xanh hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình cánh đồng mẫu tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục được quy hoạch và xây dựng bảo đảm thuận tiện giao thông nội đồng, tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Cánh đồng mẫu được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã ký hợp đồng sản xuất giống lúa thuần nguyên chủng với Công ty TNHH Nam Dương (thị xã Duy Tiên, Hà Nam).

Ông Nguyễn Thế Trường, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồn Xá cho biết, cánh đồng thực hiện sản xuất cùng giống, cùng trà nên rất thuận lợi cho quá trình điều tiết nước, chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Theo hợp đồng ký kết, doanh nghiệp cung ứng thóc giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi ngay sau khi thu hoạch cho người dân. Giá trị đem lại trên diện tích sản xuất tại cánh đồng mẫu của xã tăng 7 - 10% so với ngoài mô hình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, cánh đồng mẫu đã được các địa phương trong tỉnh quy hoạch gọn vùng, liền thửa, có hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, tưới tiêu phục vụ sản xuất 3 vụ/năm hợp lý theo hướng: vụ xuân muộn - vụ mùa sớm, mùa trung - vụ đông hàng hoá.

Nông dân được tổ chức liên kết theo phương thức hợp tác, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất, hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá trị sản xuất trong cánh đồng mẫu đạt 140 - 150 triệu đồng/ha, gấp 1,5 lần so với giá trị sản xuất chung của toàn tỉnh.

Theo bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hà Nam, cánh đồng mẫu giải quyết được tình trạng manh mún ruộng đất, giúp triển khai những mô hình sản xuất mới của ngành thuận lợi hơn. Từ hiệu quả của cánh đồng mẫu, nhiều mô hình sản xuất lúa, cây trồng hàng hóa được mở rộng; việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất được nhân rộng; góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả và thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng mô hình cánh đồng mẫu, chủ động đưa những giống cây trồng có giá trị, có lợi thế, thuận lợi về đầu ra vào sản xuất. Để duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu, các địa phương trong tỉnh cũng cần quan tâm hơn trong việc liên kết sản xuất, đồng thời lựa chọn các giống cây mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất trên những cánh đồng mẫu, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

Nguyễn Chinh

TTXVN