Đây là cách làm mà những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tập trung triển khai thực hiện và cho thấy những hiệu quả tích cực mang lại. Từ những kết quả đạt được đã tạo động lực để nhiều hộ dân tiếp tục nhân rộng mô hình, mở ra hướng đi mới cho bà con trong quá trình vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Gia đình anh Nguyễn Hùng Thái ở thị trấn Đồng Lộc huyện Can Lộc có hơn 03 ha trồng cam chanh. Năm 2021, diện tích cam của gia đình anh và các thành viên Tổ hợp tác cam Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Quá trình triển khai, các thành viên Tổ hợp tác được tham gia tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất, cách ghi chép sổ nhật ký sản xuất và phòng trừ sâu bệnh qua từng thời kỳ chăm sóc.

Anh Thái chia sẻ, trước kia anh trồng theo kinh nghiệm nên vườn cam thường xuyên phát sinh sâu bệnh. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy trình làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng và chính bản thân anh. Không những thế, do lạm dụng phân bón hóa học trong thời gian dài để bón cho cây đã làm đất suy thoái. Năm 2021, diện tích cam của anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, anh đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc nên các vườn cam hiện nay đầy sức sống. Vườn cam sạch sẽ, thoáng đãng, hệ thống tưới tiêu, bón phân hữu cơ được đồng bộ hóa, cây trĩu quả, quả to đều, hình thức đẹp. Năng suất ước đạt 15-20 tấn/ha, cao hơn 5-10% so với trước kia. Sản phẩm rất được ưa chuộng do đảm bảo an toàn.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm cam đẹp,đảm bảo an toàn,được người tiêu dùng ưa chuộng

Tiếp tục nhân rộng mô hình, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục chọn Tổ hợp tác cam Văn Minh, xã Thường Nga, huyện Can Lộc để xây dựng mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 4 ha.

Khi tham gia mô hình trồng cam theo hướng VietGAP, các hộ dân đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật để từ đó tiếp thu và áp dụng vào quá trình sản xuất. Cùng với đó, được hỗ trợ 50% phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Ông Phan Công Khoan là một trong hai hộ thuộc tổ hợp tác trồng cam Văn Minh cho biết: Từ khi chuyển từ trồng, chăm sóc cam theo phương thức truyền thống sang chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình ông tích lũy được kiến thức cũng như kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm cam sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, gia đình ông đang tập trung chăm sóc vườn cam cuối vụ, tỉa cành, tạo tán làm thông thoáng vườn; vệ sinh vườn, thu gom tiêu hủy tàn dư nhiễm sâu bệnh để có được vườn cam sạch trước khi thu hoạch.

leftcenterrightdel
Ông Phan Công Khoan  kiểm tra độ chín của cam 

Trao đổi với ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Nga, được biết, xã Thường Nga hiện có 80 ha trồng cam. Từ khi có chương trình trồng cam VietGAP đến nay, xã Thường Nga đã có 4 tổ hợp tác sản xuất cam theo hướng VietGAP với tổng diện tích hơn 20 ha. Những năm tới xã Thường Nga sẽ nhân rộng mô hình lên 40 ha để xây dựng thương hiệu cam bền vững.

Hà Tĩnh từ lâu đã nổi tiếng với các loại cam như cam Khe Mây (Hương Khê), cam Vũ Quang, cam Hương Sơn, cam Thượng Lộc (Can Lộc). Trồng cam là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Tính đến đầu năm 2022, diện tích trồng cam toàn tỉnh đã đạt 3.378 ha, tuy nhiên kỹ thuật trồng vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, do đó chất lượng cam đạt tiêu chuẩn không nhiều. Chính vì vậy, trong 03 năm trở lại đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình trồng cam theo quy trình VietGAP được triển khai là hướng đi mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất. Đây cũng là một giải pháp nâng cao năng suất chất lượng và giá trị hàng hóa sản phẩm cam chanh Hà Tĩnh. Từ những kết quả đạt được, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các huyện Can Lộc và Vũ Quang tiếp tục triển khai trồng cam VietGAP trên diện tích 11 ha với 7 hộ tham gia. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình sản xuất cam chanh VietGAP, năng suất bình quân mô hình đạt trung bình trên 14 tấn/ha.

Có thể khẳng định, đến nay mô hình sản xuất theo hướng VietGAP cho cây cam đã thành công, mang lại kết quả nổi trội cả về lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội cũng như môi trường. Việc áp dụng thâm canh theo quy trình VietGAP đã thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất cũ, hướng tới một nền sản xuất sạch, góp phần củng cố thương hiệu cam Hà Tĩnh, giúp cam Hà Tĩnh vươn tới nhiều thị trường ngoại tỉnh./.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh