Được sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Trọng, chúng tôi được đến tham quan HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Farm tại thôn Kim Phát, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng. Được tận mắt chứng kiến hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây ớt ngọt kết hợp với hệ thống tái sử dụng nước thải hơn cả tỷ đồng, chúng tôi mới thấy rõ được ứng dụng công nghệ thông minh IoT, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp của anh Nguyễn Như Thủy - Giám đốc Hợp tác xã, hiện đang canh tác 6 sào ớt ngọt ứng dụng hệ thống này.

 

Anh Thủy cho biết, từ năm 2018, Farm của anh đã sử dụng hệ thống IoT tưới nước và châm phân tự động của Công ty TNHH Mimosa Technology (Công ty MimosaTEK). Nhận thấy, hệ thống tưới có nhiều hiệu quả, lượng nước tưới và cung cấp dinh dưỡng chính xác, đỡ tốn công, cây cho năng suất và chất lượng tốt. Tuy nhiên, có một vấn đề mà anh luôn trăn trở là lượng nước tưới thoát ra bên ngoài khoảng 35% lượng nước tưới và dinh dưỡng, gây lãng phí tiền của và ảnh hưởng đến môi trường.

 

Qua quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng của các nông trại đang canh tác rau thủy canh lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của đối tác Hà Lan và Công ty TNHH Fresh Studio. Cùng với sự ra mắt của hệ thống VitaLite từ Ridder Group và các bồn chứa nước từ Royal Brinkman. Đầu năm 2024, Thủy Farm của anh cùng với Garden Mountain được chọn tham gia mô hình thí điểm, thiết lập và vận hành hệ thống thu gom, tái chế nước thải trong canh tác ớt ngọt.

leftcenterrightdel
Hệ thống máng thu hồi nước 

 

Anh Thủy chia sẻ, trên diện tích 6 sào ớt ngọt, 12.000 bầu giá thể trồng 24.000 cây ớt ngọt, mỗi ngày gây thất thoát từ 9 -10m3 nước. Với việc áp dụng hệ thống tái sử dụng nước thải, đã tiết kiệm được khoảng 30 - 35% lượng nước tưới và 50% lượng dinh dưỡng cho vườn cây mỗi ngày. Vì lượng nước thu hồi về có nguồn dinh dưỡng đậm đặc hơn ban đầu, qua hệ thống được khử trùng, xử lý vi khuẩn và bào tử nấm… trung hòa với hệ thống nước tưới (nước giếng khoan) kết hợp thêm nguồn dinh dưỡng để tuần hoàn lượng nước tưới, dinh dưỡng như ban đầu, đảm bảo đúng EC và PH cho cây ớt sinh trưởng và phát triển tốt. Theo ước tính của anh, với 4 triệu tiền phân bón, dinh dưỡng mỗi ngày, giúp anh tiết kiệm được 50% số tiền bỏ ra, sau 1 năm có thể tiết kiệm 600 - 700 triệu đồng, chưa kể tiết kiệm được lượng nước tưới lên đến 35%. Việc sản xuất ớt ngọt và các loại ớt cao cấp khác như ớt palermo, ớt snack, ớt siêu cay… sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với tái sử dụng nước thải, kết hợp nuôi thiên địch trong vườn đã tạo ra sản phẩm ớt trái cây của Thủy Farm luôn được khách hàng ưu chuộng, sản phẩm ớt trái cây này đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hàng ngày, Thủy Farm liên kết với 8 hộ xã viên trong HTX cung cấp ra thị trường trung bình 5 tấn ớt/ngày.

 

Mặc dù ban đầu dự án hỗ trợ cho mỗi trang trại triển khai hệ thống thu gom nước thải cho diện tích khoảng 2.500m2 và 70% kinh phí thực hiện mô hình thí điểm (770 triệu đồng cho cả hệ thống tái sử dụng nước thải, còn lại nông hộ đóng 30% kinh phí) nhưng trên thực tế cả hai trang trại đều đã tự đầu tư để mở rộng diện tích thu gom nước thải lên gần 10.000m2. Với hiệu quả kinh tế, môi trường… mà hệ thống này mang lại, Thủy Farm và các nông dân liên kết sẽ có kế hoạch mở rộng thêm diện tích sử dụng hệ thống thu gom nước thải trong thời gian tới.

 

Việc lắp đặt hệ thống thu gom và khử trùng nước thải, các chuyên gia thực hiện dự án thường xuyên phối hợp với hai điểm triển khai, thu thập dữ liệu, phân tích nguồn nước, dinh dưỡng… Từ đó, đánh giá thời gian thu hồi vốn đầu tư vào hệ thống tái chế nước thải và số liệu cụ thể về lượng nước, cũng như phân bón có thể tiết kiệm. Những dữ liệu này rất quan trọng, là cơ sở giúp thuyết phục các trang trại khác đầu tư vào hệ thống tái chế nước thải. Việc có hai hệ thống tái chế nước thải hiện đã được lắp đặt và vận hành đầu tiên tại Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã giúp các nông dân khác có thể tiếp cận thực tế, góp phần giúp cho những nông dân tiên tiến nhận thức và hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của hệ thống này, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện được môi trường và hướng đến phát triển công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.

Văn Thọ

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng