Sản phẩm trứng có chất lượng vượt trội so với các nơi khác trên thế giới như: kích thước trứng nhỏ, tỷ lệ nở cao, hàm lượng dinh dưỡng cao, bảo quản dễ dàng mà không cần sử dụng bất kỳ chất bảo quản hay chất kích nở nào khác. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy sản xuất trứng Artemia, 3 hợp tác xã (HTX) chuyên nuôi Artemia đáp ứng chỉ khoảng 5 - 10% nhu cầu thực tế của các cơ sở sản xuất và ương giống tại địa phương, còn lại trứng Artemia chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Ông Trần Văn Thưa, Giám đốc HTX Diêm nghiệp Doanh Điền (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) chia sẻ: Trước đây HTX chuyên sản xuất muối, tuy nhiên do giá muối quá bấp bênh nên đời sống xã viên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy năm 2015, HTX đã liên kết, chuyển sang nuôi Artemia. Được sự liên kết từ HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu, HTX Diêm nghiệp Danh Điền đã chuyển đổi một phần diện tích sang nuôi Artemia và sinh trưởng tốt. Nuôi Artemia vốn đầu tư thấp, thu hoạch sớm, vì vậy rất phù hợp với những hộ thiếu vốn sản xuất của HTX cũng như nhiều hộ dân trong vùng.

Quá trình hợp tác sản xuất Artemia của HTX Diêm nghiệp Doanh Điền thuận lợi nhờ được HTX Vĩnh Châu – Bạc Liêu hỗ trợ đầu tư quy hoạch chuyển đổi sản xuất, hàng năm đầu tư chi phí sản xuất ban đầu như con giống, thức ăn, vật tư, … nhất là hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp. Khi liên kết, Artemia được mua với giá rất cao và ổn định, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Nếu đạt 80 kg/ha thì lợi nhuận cao hơn sản xuất muối. Thậm chí, Artemia có thể nuôi kết hợp với làm muối, làm nước ót và thu được con. Trên nền đất nuôi Artemia kết hợp thả nuôi tôm, cua vào mùa mưa cũng rất hiệu quả.

Tuy nhiên, khó khăn của người nuôi Artemia hiện nay là môi trường ô nhiễm và biến đổi khí hậu, nhất là những năm mùa mưa kết thúc trễ. Vì vậy, cần quan tâm bảo vệ môi trường và có ao gây màu xử lý ô nhiễm. Tình trạng nắng nóng đến sớm cũng làm mùa vụ ngắn lại, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng. Điển hình như năm nay, mặc dù sản xuất Artemia khá thuận lợi nhưng người nuôi chỉ thu được 75kg/ha do nắng nóng gay gắt và kéo dài.

leftcenterrightdel
 Nông dân kiểm tra Artemia tại ruộng

Vì vậy, ông Thưa kiến nghị cần được hỗ trợ đầu tư ao dự trữ nước mặn để xuống giống sớm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới để đạt năng suất cao... Nếu được đầu tư đúng mức, HTX Diêm nghiệp Doanh Điền có thể nâng diện tích nuôi Artemia lên trên 20 ha và đạt năng suất 100 kg/ha.

Là đơn vị hỗ trợ sản xuất cho nhiều HTX bạn, ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu chia sẻ: Năm 2024, HTX triển khai nuôi Artemia với diện tích 150 ha, trong đó tại Bạc Liêu 50ha, xã Lai Hòa (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) 100ha. Nếu đạt năng suất 100 kg/ha, với mức giá tiêu thụ 1,1 – 1,2 triệu đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 80 triệu đồng/ha.

Điển hình về hiệu quả nuôi Artemia có thể kể tới hộ ông Huỳnh Thanh Sang tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, ông Huỳnh đều đạt năng suất hơn 100 kg/ha. Đặc biệt năm 2024, gia đình ông thả nuôi 5,5 ha Artemia, thu hoạch hơn 1.000 kg trứng, năng suất đạt 187 kg/ha. Ngoài ra, ông Sang còn thu được 2,5 tấn con, tổng thu doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Cán bộ hỗ trợ kỹ thuật nuôi Artemia cho nông dân

Phát biểu tại Hội thảo “Đánh giá hiện trạng tiềm năng và bàn giải pháp phát triển Artemia thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” ngày 15/5/2024, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định: Nhu cầu sử dụng Artemia hiện nay của nước ta rất lớn, cần được khai thác, đặc biệt là sử dụng làm thức ăn cho cá cảnh. Năm 2023, sản xuất Artemia trong nước chỉ đạt 9 tấn, tập trung ở 2 tỉnh Bạc Liêu (6 tấn) và Sóc Trăng (3 tấn), trong khi Artemia nhập khẩu năm 2023 là gần 667 tấn, chiếm hơn 99%. Vì vậy, cần hình thành vùng nuôi tập trung để sản xuất Artemia và đặc biệt là hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu với giá cao cho các HTX và hộ nuôi vùng ven biển, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với điền kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Dung Ngọc

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu