leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo 

Hội thảo đã thu hút hơn 120 lượt người tham dự là đại diện các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai (Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ), trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan báo đài, phòng Nông nghiệp/Kinh tế các huyện, thành phố và một số Hiệp Hội, doanh nghiệp, Hợp tác xã, nông dân và tổ hợp tác liên quan trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đã được nghe Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai báo cáo kết quả thực hiện Chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ngoài ra còn được nghe tham luận của Hội nông dân tỉnh, Khoa cơ khí – công nghệ, trường Đại học Nông lâm TP. HCM, UBND huyện Xuân Lộc, Tổ hợp tác sầu riêng Chín Đức – Cẩm Mỹ về thực trạng ứng dụng cơ giới hóa – tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp trên đại bàn tỉnh, cũng như tham luận của một số doanh nghiệp đang thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó Hội thảo trao đổi và thảo luận đưa ra các hướng giải quyết khó khăn còn tồn tại trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Đồng Nai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 270.000 ha, ngành trồng trọt đã hình thành 300 vùng sản xuất tập trung, với quy mô sản xuất lớn, tập trung thuận lợi để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ngành chăn nuôi của Đồng Nai có quy mô tương đối lớn, với 2 loại vật nuôi chủ lực là đàn heo 2,1 triệu con và đàn gà là 23 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm 90% tổng đàn. Quy mô trang trại lớn thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong chăn nuôi. Tuy nhiên do đặc điểm của điều kiện một số vùng rộng lớn có đá lộ đầu, địa hình không bằng phẳng như huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán nên việc cơ giới hóa trong khâu làm đất, vận chuyển gặp nhiều khó khăn, mặt khác diện tích đất sản xuất của nông hộ nhỏ (bình quân 1ha/hộ) hạn chế rất lớn đến việc đầu tư trang thiết bị để cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất.

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, rút ngắn thời gian, hiệu suất canh tác thay thế sức người, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp hiện nay, phù hợp với xu thế nông nghiệp hiện đại, đó là những lợi thế khi nông dân áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở tạo dựng, phát triển các chuỗi ngành hàng nông sản bền vững có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân phù hợp với chiến lược, trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta về thúc đẩy cơ giới hóa chuyển đổi vùng nông nghiệp bền vững. Vì vậy Hội thảo đã chỉ ra được những điểm mạnh và điểm yếu của tỉnh Đồng Nai trong việc ứng dụng cơ giới hóa – tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó cũng đã đề xuất được các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh nông sản của tỉnh.

Bích Ngọc

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai