Xã Vĩnh Bình Nam có diện tích tự nhiên là 4.565ha, trong đó sản xuất nông nghiệp chuyên màu 0,3 ha (dưa lưới trong nhà màng), diện tích lúa 02 vụ là 88,5ha. Hàng năm sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân bà con luân canh trồng màu với diện tích 14,4 ha.

 

Vụ Hè Thu 2024, Phòng NN & PTNT huyện Vĩnh Thuận phối hợp với chính quyền địa phương triển khai “Dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao đáp ứng vùng nguyên liệu tập trung và thích ứng với biến đổi khí hậu trong vụ Hè Thu 2024 ” tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Phong (HTX) với diện tích 85 ha cho 59 thành viên. HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu lớn, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

 

Dự án sử dụng giống xác nhận Đài thơm 8, sạ với mật độ 100 kg/ha. Ngày gieo sạ từ ngày 26/06/2024 – 30/06/2024. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ lúa giống, vật tư và chi phí vận chuyển, phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận nằm trong bộ giống chất lượng cao được Bộ Nông nghiệp &PTNT cho phép sản xuất, phải gieo sạ đảm bảo mật độ 100 kg/ha, gieo sạ đồng loạt đúng với lịch thời vụ của địa phương và ngành chuyên môn khuyến cáo. Trong suốt vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật phối hợp với ban lãnh đạo HTX thường xuyên kiểm tra, tư vấn cho nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật “01 phải 05 giảm”, xử lý các tình huống dịch bệnh thực tế ngoài đồng ruộng; Kiểm tra, hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng theo biểu mẫu làm cơ sở cho việc tổng hợp số liệu đánh giá hiệu quả mô hình.

 

Vụ Hè Thu 2024, mặc dù thời tiết bất lợi nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến việc xuống giống, tuy nhiên đến giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa tương đối thuận lợi. Giai đoạn trổ gặp mưa bão làm lúa đổ ngã, ảnh hưởng một phần đến năng suất lúa. Dự án tiến hành thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp 100% nên hạn chế thất thoát. Hầu hết nông dân bán lúa tươi cho các thương lái. 

 

Chi phí đầu tư trong mô hình trung bình là 23.440.000 đồng/ha, thấp hơn so với đối chứng là 2.480.000 đồng/ha do áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm, gieo sạ đồng loạt, sạ thưa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV, chi phí phòng trừ sâu bệnh giảm. Lợi nhuận trung bình trong mô hình 26.800.000 đồng/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng 880.000 đồng/ha.

leftcenterrightdel
Dự án đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập cải thiện đời sống

Được sự quan tâm của UBND xã, ban lãnh đạo địa phương cùng sự đồng thuận của toàn thể nông dân tham gia dự án nên việc triển khai mô hình diễn ra thuận lợi. Nông dân tham gia dự án cơ bản nắm được một số nội dung khi triển khai như giống lúa, mức hỗ trợ, mật độ gieo sạ. Tuy hiệu quả kinh tế đạt mục tiêu đề ra nhưng việc ghi chép sổ nhật ký còn chưa đảm bảo, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả xã hội của dự án.

 

Việc thực hiện dự án đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập cải thiện đời sống; Ứng dụng các biện pháp tổng hợp trong canh tác kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học nhằm tăng giá trị nông sản, giảm giá thành sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển nông nghiệp có hiệu quả, giảm nghèo và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Ngoài ra dự án giúp xây dựng cánh đồng lớn đạt tiêu chuẩn về quy mô, ứng dụng kỹ thuật đồng bộ, đạt sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ theo xu hướng hội nhập.

Trần Thị Diễm Trang 

Đài Truyền thanh huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang