Nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Chương trình trong năm 2015, sáng ngày 28/6/2016, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Ban điều phối tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp các nhóm trưởng PPP tham gia triển khai chương trình phát triển cà phê bền vững theo mô hình hợp tác công tư các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc.

Năm 2015, điều kiện thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, mưa nắng thất thường nên ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Tuy nhiên, so với các vườn cà phê không thuộc PPP, thì các vườn cà phê mẫu của PPP vẫn phát triển tốt, cành vươn dài, tình hình sâu bệnh ít hơn các vườn đối chứng. Qua đó đã cho thấy hiệu quả của việc chăm sóc cà phê theo hướng bền vững.

Tham gia chương trình, nông dân phải thường xuyên thăm vườn, bón phân kịp thời theo chu kỳ phát triển của cây cà phê… Cùng với việc cung cấp các nguyên tố đa lượng, người nông dân còn quan tâm cung cấp các nguyên tố trung và vi lượng cho cây cà phê, vì thế đã giúp cho cây cà phê phát triển tốt, làm giảm tỷ lệ trái rụng. Bên cạnh đó, các chủ vườn mẫu đã hướng dẫn nông dân trong nhóm thường xuyên đi thăm vườn, phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh hại trên cây cà phê, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; tập huấn, vận động nông dân trong nhóm tập trung thu hái cà phê chín để đảm bảo tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm, đồng thời bảo quản cà phê sau thu hoạch được tốt hơn.

Do vậy, nhìn chung năng suất của các vườn mẫu đều cao hơn so với vườn đối chứng từ 9-25%. Đặc biệt, vườn cà phê của hộ ông Nguyễn Văn Thông (xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc có năng suất cao nhất, 10 tấn nhân/ha. Vườn cà phê này được chăm bón cẩn thận từ khâu bón phân chuồng ủ hoai mục, bón phân vô cơ cân đối và đúng thời điểm, nguồn nước tưới ổn định và đầy đủ nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ.

Qua kết quả trên cho thấy, canh tác cà phê theo hướng bền vững sẽ giúp cho người nông dân có một vườn cà phê ổn định, đầu tư ít và thu được năng suất cao.

Phát huy những kết quả đạt được, Điều phối viên Chương trình hợp tác công tư tại tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh – ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn cho biết: “Trong năm 2016 sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các nhóm cà phê bền vững; giúp các nhóm trưởng nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý nhóm nông dân sản xuất cà phê bền vững được tốt hơn. Tiếp tục đào tạo, tập huấn cho các nhóm trưởng và các bên liên quan về phát triển cà phê bền vững, đồng thời nâng cao tính chủ động, phát huy nội lực, tính tự giác và tính tương tác giữa nhóm trưởng với các hộ nông dân. Đặc biệt, tiếp tục tập trung củng cố hoạt động thường xuyên của các nhóm trưởng, định hướng các nhóm trưởng thúc đẩy thành lập Tổ hợp tác và phấn đấu thành lập được Hợp tác xã là xu thế phát triển phù hợp với tình hình hiện nay, đi đúng tiến trình hợp tác công tư và xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững tại Lâm Đồng”.  

Vườn cà phê trồng xen mắc ca (ảnh minh họa: Văn Diện)

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, cũng chia sẻ thêm, trong 2 năm qua 2014-2015, Hợp tác xã Nam Hà (huyện Lâm Hà) đã được chương trình PPP giúp đỡ hoạt động. Tuy nhiên, Hợp tác xã đã hoạt động chưa hiệu quả, chưa tạo được kênh mua chung (phân bón, thuốc BVTV…) và bán chung (cà phê nhân) cho các xã viên trong Hợp tác xã. Vì vậy, trong thời gian tới, nhóm trưởng PPP tại xã Nam Hà (Chủ nhiệm HTX) phối hợp tốt với các xã viên thực hiện các giải pháp như kiện toàn lại bộ máy tổ chức, thực hiện việc mua chung, bán chung,hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX cần tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về đào tạo tập huấn kỹ thuật, phát triển cộng đồng, các chính sách hỗ trợ vốn trong phát triển cà phê, tham gia các dự án chương trình phát triển cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận… để ngày càng đưa HTX Nam Hà hoạt động có hiệu quả và vững mạnh trong thời kỳ hội nhập.

Nguyễn Văn Thọ

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng