Ở các xã như Quang Vĩnh, Bùi La Nhân, Yên Hồ… huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có một phần diện tích đất chạy dọc dòng sông La và hữu ngạn sông Lam. Hàng năm về mùa mưa thường bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, làm thiệt hại cho mùa màng và đời sống của người dân. Tuy nhiên, cũng nhờ những đợt lũ đã giúp cho vùng đất này được bồi đắp một lượng lớn đất phù sa màu mỡ nên người dân đã biết tận dụng lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp và khai thác các sản phẩm từ thiên nhiên ban tặng.
Từ xa xưa những người dân sống ven sông đã khai thác các sản phẩm từ tự nhiên như cá, hến,… để vừa sử dụng làm thực phẩm hàng ngày, vừa bán nhằm cải thiện đời sống. Những năm gần đây, nhiều người biết đến sản phẩm rươi, cáy và khi bán thu được giá trị kinh tế cao, do vậy các hộ dân bắt đầu chú trọng việc khai thác để cung ứng thị trường nhằm nâng cao thu nhập.
Vào thời điểm này của năm, Đức Thọ nói riêng và Hà Tĩnh nói chung ảnh hưởng bởi các đợt gió mùa, cộng với các cơn bão, áp thấp nên mưa kéo dài nhiều ngày và đây cũng là thời gian vào vụ thu hoạch rươi chính (từ tháng 9-11 âm lịch hàng năm). Mỗi tháng, rươi chỉ nổi lên 2 lần vào hôm triều cường, mỗi lần vài ngày vào đầu và cuối tháng. Trước khi thu hoạch rươi, người dân mở cống để thuỷ triều trên sông tràn vào ruộng, rồi chặn cống lại và sau vài giờ rươi sẽ ngoi lên. Vào mùa này, cứ đêm xuống, người dân nơi đây lại thắp sáng điện, giăng lưới ở cống thoát nước thuỷ triều từ ruộng ra, chuẩn bị xô, chậu sẵn sàng chờ rươi nổi chảy theo con nước để thu hoạch. Những con rươi theo dòng nước sẽ bị mắc vào lưới, được người dân vớt lên bờ và cho vào các dụng cụ đã chuẩn bị sẵn. Chờ đến khi đồng tháo cạn nước, có đêm tận 12 giờ mới về nhà.
Theo những người thợ chuyên săn rươi cho biết, rươi đã xuất hiện lâu đời ở địa phương, trước đây, các dụng cụ dùng để bắt rươi như may vợt, dần, tràng,… sau đó lội xuống ruộng để xúc, vớt rươi. Tuy nhiên, hiện nay được sự hỗ trợ của chính quyền xã và sự đồng hành của người dân, các vùng thu hoạch rươi đã được xây dựng hệ thống cống thoát nước, giăng mành rộng như hình phễu ở cống, sau đó xả nước để rươi theo dòng nước chảy vào các phễu mành tạo điều kiện thuận lợi thu hoạch rươi được đảm bảo và năng suất tăng cao hơn rất nhiều với phương pháp truyền thống.
Theo chị Nguyễn Thị Hiếu, thôn Vĩnh Đại, xã Quang Vĩnh một trong những hộ thu hoạch rươi cho biết: “Hiện nay rươi được thị trường rất ưa chuộng nên thu được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Mặc dù việc thu hoạch đều diễn ra ban đêm nên cũng mệt nhưng tháng có vài đợt nên cũng không vấn đề gì nhiều, một đêm bình quân tôi thu hoạch được từ 10 – 15 kg rươi/sào (500m2), có những đêm nhiều tôi thu được khoảng 20 kg/sào, giá bán giao động từ 400 – 450 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm”.
|
|
Chị Nguyễn Thị Hiếu cần mẫn săn rươi vào những đêm rươi lên |
Tại các vùng này, bà con chỉ sản xuất lúa trong vụ xuân, thời gian còn lại bà con cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng cho đất để nuôi rươi. Rươi bán được giá nên góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân trên địa bàn các xã chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ông Hà Văn Dần, phó chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh chia sẻ: “Xã Quang Vĩnh là một trong những xã ngoài đê La Giang, hàng năm vào mùa mưa chịu nhiều thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, thiên nhiên cũng ban tặng cho người dân xã sản phẩm từ lộc trời đó là con rươi, một trong những sản phẩm mà giúp cho người dân địa phương có thu nhập ổn định nhất là những năm gần đây khi sản phẩm từ rươi được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Vào thời điểm này của năm bà con ai nấy đều chuẩn bị các dụng cụ để thu vớt rươi và đặc điểm thu hoạch rươi là phải vào ban đêm nên những ngày có rươi trên các cánh đồng rươi luôn sáng lấp lánh ánh đèn, ánh sáng của sự tốt đẹp, phấn khởi. Trong thời gian tới xã đang có các định hướng để, chế biến sản phẩm từ rươi tươi thành sản phẩm ruốc rươi đạt tiêu chuẩn OCOP của xã”.
Quế Hà