Tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, trên diện tích 20 ha, người dân đã sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo sạ, bón phân. Ông Trương Văn Lê, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Minh Trung cho biết: sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo sạ vụ Đông xuân này, HTX đã giảm lượng giống từ 20-25%. Bên cạnh đó, với độ rải giống đồng đều, phân bón đều nên tỷ lệ mọc cao, giảm công dặm tỉa. Hiện nay, HTX còn thực hiện dịch vụ bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay, tạo thu nhập cho HTX.
Ở Lệ Thủy, vụ Đông Xuân năm nay anh Trần Văn Khánh tiếp tục sử dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất lúa. Anh Khánh cho biết, đầu năm 2024, anh Khánh thuê lại hơn 22 ha ruộng với thời hạn 5 năm của HTX Xuân Lai và mỗi năm trả 50 kg/sào lúa cho người nông dân; đồng thời liên kết với Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh sản xuất lúa Hương Bình chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa và bao tiêu sản phẩm. Anh Khánh thực hiện ứng dụng thiết bị bay không người lái để tiến hành gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Vụ đó, anh Khánh sản xuất được 154 tấn lúa tươi, giá bán lúa hơn 7.000 đồng/kg, thu về hơn 1 tỷ đồng, lãi khoảng 300 triệu đồng…
Vụ Đông Xuân năm nay, với diện tích đất lúa hiện có, anh Khánh tiếp tục liên kết với Công ty TNHH Nông lâm Đông Nam và các cơ quan sản xuất lúa ứng dụng thiết bị không người lái.
“Qua thực tế thực hiện việc gieo sạ, bón phân bằng máy bay không người lái nhanh hơn, đều hơn, lượng giống ít hơn gieo cấy theo phương thức truyền thống; đồng thời giải phóng sức lao động cho người nông dân khi cắt giảm các khâu gieo sạ, tỉa dặm, bón phân, từ đó giảm chi phí sản xuất, từng bước chuyển sản xuất lúa từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi...” - anh Khánh chia sẻ.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Nguyễn Chí Trãi cho hay, Lệ Thủy hiện có diện tích cánh đồng lúa lớn trên 4.000 ha; hơn 3.180 ha ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân và thu hoạch đã giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với nông dân, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại…
Tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ thực hiện mô hình sử dụng máy cấy mạ khay trong sản xuất lúa.
Anh Lê Đức Hà, một trong các hộ thực hiện sử dụng máy cấy mạ khay cho biết: Đây là vụ đầu tiên gia đình sử dụng máy cấy mạ khay trong cấy lúa, do đó các bước từ gieo mạ và cấy đều đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật. Quá trình triển khai mô hình cho thấy, lúa cấy bằng mạ khay không phải trải qua giai đoạn nhổ mạ nên tránh được tình trạng đứt rễ, cây lúa cấy xuống bén rễ hồi xanh nhanh, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết. Lượng giống gieo chỉ khoảng 2kg/sào, giảm 1/2 lượng giống và giảm một lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với trước đây. Ngoài ra, sử dụng máy cấy giúp giảm thiểu công lao động của gia đình rất nhiều. Một máy cấy làm việc 8 giờ/ngày sẽ cấy được 0,8-1 ha, tương đương 25-30 người vừa cấy vừa nhổ mạ.
Theo đánh giá bước đầu, tổng chi phí gieo mạ khay và cấy bằng máy giảm được 40% so với gieo mạ cấy tay truyền thống, khắc phục tình trạng thiếu nhân công khi thời vụ vào giai đoạn cao điểm. Với 10 ha sử dụng máy cấy đã giúp gia đình tăng năng suất lao động gấp 15 lần so với trước đây.
    |
 |
Sử dụng máy cấy mạ khay trong sản xuất lúa vụ Đông xuân 2024-2025 tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa |
Hiện toàn tỉnh có trên 31.290 máy sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất lúa, khâu làm đất cơ giới hóa trên 96,6%, thu hoạch được cơ giới hóa trên 90,5%. Việc đưa các tiến bộ cơ giới hóa, áp dụng máy móc, thiết bị thông minh trong tất cả các khâu sẽ là bước đột phá để sản xuất lúa không phụ thuộc vào nhân công, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, thu hoạch, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, giảm hao tổn trong khâu thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tình, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong khâu gieo sạ, cấy lúa, sự dụng máy sạ cụm, thiết bị bay không người lái giúp giảm lượng giống, giảm sâu bệnh. Đặc biệt mô hình ứng dụng máy cấy không phải sử dụng thuốc trừ cỏ là điều kiện quan trọng để hướng tới sản xuất lúa gạo hữu cơ, đồng thời sẽ chủ động hơn trong việc bố trí lịch sản xuất vụ Hè Thu, đồng thời rút ngắn thời gian sinh trường của lúa trên đồng ruộng, tránh được các ảnh hưởng bất lợi của điều kiện thời tiết trên các chân ruộng trũng, khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng.
Thùy Trang
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình