Xã Nghĩa Hà là một trong những địa phương có diện tích trồng hoa lớn nhất thành phố Quảng Ngãi, với khoảng hơn 40ha, chủ yếu là hoa cúc, hoa lay ơn… Mỗi năm nghề trồng hoa nơi đây mang lại thu nhập cho người dân khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết Miền Trung khắc nghiệt nên việc trồng hoa ngoài trời không được che chắn, ảnh hưởng lớn đến thời gian nở hoa của cây, hoa thường xuyên bị nhiễm sâu bệnh hoặc ngập úng vào mùa mưa, gây hư hỏng nặng.

Trước tình hình đó, năm 2022 Trung tâm Dich vụ Nông nghiệp thành phố Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng nhà lồng trồng hoa” trên diện tích 2.500m2 tại thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi, với 5 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 820 triệu, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% còn lại người dân đối ứng.

Ông Ngô Văn Việt với hơn 20 năm trong nghề trồng hoa đã tham gia mô hình trên diện tích 500 m2, trồng hơn 8.000 cây hoa cúc. Ông Việt cho biết, so với trồng hoa ngoài trời thì trồng hoa trong nhà lồng có lợi hơn rất nhiều, ít tốn công chăm sóc và chi phí cho vật tư nông nghiệp giảm đi một nửa nhưng cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, không bị ảnh hưởng khi trời mưa. Đến nay, sau 50 ngày trồng cây đã ra nụ. Ông Việt nhẩm tính, với 8.000 cây hoa cúc, như thường lệ đến khi thu hoạch hao hụt đi khoảng 40 – 50%, còn lại khoảng 4.000 – 5.000 cây. Nếu giá bán bình quân là 5.000 đồng/cây, sau khi trừ mọi chi phí mua hoa giống, phân, thuốc và công lao động vẫn còn lãi hơn 20 triệu đồng.

Cùng tham gia mô hình trồng hoa trong nhà lồng như ông Việt, ông Đặng Văn Tèo thí điểm trồng 3.000 cây hoa đồng tiền trên diện tích 500m2. Trong quá trình chăm sóc ông thấy cây lớn rất nhanh, hoa nở đẹp và đều, cánh hoa dày, màu sắc rực rỡ hơn. Ông Tèo nói: “Trước đây khi trồng ngoài môi trường tự nhiên, một cây thường cho 2 bông, nhưng nay trồng trong nhà lồng có thể ra 3 – 4 bông. Lứa hoa đồng tiền đầu tiên gia đình tôi thu hoạch được 13 ngày, một ngày khoảng 20 – 25 bó (20 bông/bó), giá bán tại chợ đầu mối từ 55.000 – 80.000 đồng/bó tùy theo thời điểm. Sau khi trừ đi các chi phí cũng thu về cho gia đình hơn 25 triệu đồng. Đặc biệt trong quá trình chăm sóc vụ hoa vừa rồi không phát hiện sâu bệnh hại trên hoa, đó là điều bà con chúng tôi rất mừng vì hạn chết sử dụng thuốc BVTV”.

Ông Tèo chia sẻ, sắp tới gia đình ông sẽ trồng thêm nhiều loại hoa mới và có giá trị cao hơn như hoa lay ơn, hoa huệ và hoa hoàng anh.

leftcenterrightdel
 Hoa đồng tiền trồng trong nhà lồng

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng hoa trong nhà lồng, bà Võ Thị Dơn ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà đã tự đầu tư 32 triệu đồng làm nhà lồng diện tích 70m2. Bà làm 3 khung giàn có chiều cao 1,2m, rộng 1,5m và dài 14m để ương giống hoa. Khung giàn được làm bằng tre, trên giàn được cố định bằng lớp lưới B40 và lót bạt nhưng phải đảm bảo thoát nước, trên cùng là lớp giá thể trồng (đất, phân được trộn sẵn) dày khoảng 10cm. Trên giá thể bà Dơn gieo hạt cúc đất, sau khoảng 28 – 30 ngày là đã có cây giống để bán. Giống hoa cúc đất được bán với 2 hình thức, bán lẻ thì 200 đồng/cây, ai mua nhiều thì tính theo thiên (1.000 cây/thiên) hoặc bán theo m2 với giá 300.000 đồng/m2. Sau 1 tháng ương, từ 3 giàn cây giống hoa cúc đất đã mang về cho gia đình bà Dơn gần 18 triệu đồng.

Bà Dơn cho biết, làm giàn tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả vì trên giàn đất thoáng nên cây phát triển nhanh, chủ động được lượng nước tưới, khâu chăm sóc, nhổ cỏ cũng dễ dàng thực hiện hơn nhiều.

leftcenterrightdel

Bà Võ Thị Dơn đang chăm sóc giàn giống hoa cúc đất

Ông Trần Đình Tiến – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Quảng Ngãi cho biết: “Mô hình trồng hoa trong nhà lồng giúp cây trồng lấy được đầy đủ ánh sáng, cây trồng lớn nhanh, tránh được nhiều nguy cơ gây hại như mưa, gió, các nguồn bệnh lây lan từ môi trường bên ngoài vào… Đặc biệt, thời gian từ lúc trồng đến lúc ra hoa và thu hoạch ngắn hơn so với trồng hoa ngoài môi trường bình thường và có thể sản xuất liên tục trong năm dù mùa mưa hay mùa nắng”.

Mô hình trồng hoa trong nhà lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, từ đây sẽ mở ra hướng đi mới trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giúp cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương có điều kiện tham quan, học hỏi, tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó mạnh dạn đầu tư phục vụ sản xuất theo cách làm mới, dần thay đổi tập quán sản xuất theo kiểu truyền thống, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại của địa phương./.

Huyền Hương

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi