Dự án nhằm nâng cao năng suất, giá trị trong chăn nuôi bò vỗ béo, gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường; từ hiệu quả các mô hình trình diễn, thông qua các lớp đào tạo, hội thảo sẽ tuyên truyền nhân rộng mô hình ra cộng đồng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Để triển khai dự án đạt hiệu quả cao, Trung tâm lựa chọn các hộ tham gia đáp ứng đủ các tiêu chí dự án yêu cầu. Hộ tham gia thực hiện dự án được hỗ trợ 50% vật tư thiết yếu xây dựng mô hình (86.400 kg thức ăn hỗn hợp vỗ béo; 320 liều thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng; 118 lít chế phẩm vi sinh), phần còn lại hộ đối ứng.

Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò thịt cho các hộ tham gia nên các hộ đều nắm vững kiến thức kỹ thuật trước khi thực hiện. Trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hộ nông dân các kỹ thuật như: cách chọn bò vỗ béo, kiểm tra sức khỏe, bấm thẻ tai theo dõi, đo trọng lượng, phân loại bò loại thải, bò thịt, tẩy ký sinh trùng và nuôi thích nghi trước khi đưa vào nuôi vỗ béo... Hộ thực hiện dự án cũng được hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký, theo dõi các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật là cơ sở để hạch toán hiệu quả kinh tế mô hình.

Mặc dù dự án triển khai trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 gây khó khăn trong công tác chọn điểm, chọn hộ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, mua vật tư; song với sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thuỵ, Hưng Hà, Quỳnh Phụ); Đảng ủy, UBND, ban ngành đoàn thể các xã triển khai; sự cố gắng của bà con nông dân nơi tham gia xây dựng mô hình sau 3 năm triển khai, dự án đã hoàn thành mục tiêu và thực hiện chuyển giao được 03 mô hình vỗ béo bò với 05 điểm trình diễn đạt quy mô 640 bò vỗ béo (huyện Vũ Thư 140 con; Đông Hưng, Thái Thuỵ 250 con; Hưng Hà, Quỳnh Phụ 250 con), trong đó 185 con bò loại thải, 455 con bò thịt.

Mức tăng khối lượng cơ thể trung bình với bò loại thải là 772,34 gam/con/ngày (yêu cầu của dự án là 750 gam/con/ngày), bò thịt tăng 907,02 gam/con/ngày (yêu cầu của dự án là 850 gam/con/ngày.

Dự án đạt hiệu quả kinh tế tăng bình quân 23,31% (năm 2020: 22,73%, năm 2021: 22,69%, năm 2022: 24,51%) so với bò vỗ béo ngoài mô hình.

leftcenterrightdel
Mô hình vỗ béo bò thịt thực hiện tại tỉnh Thái Bình

Các hộ tham gia mô hình đều sử dụng đệm lót sinh học, giúp xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi, môi trường nuôi bò sạch, hạn chế mùi hôi. Sau sử dụng, đệm lót được đem ủ thành nguồn phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng và trồng cỏ.

Dự án đã xây dựng được 01 bộ tài liệu tập huấn “Kỹ thuật nuôi và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” phù hợp với đối tượng người học, được nhiều người dân đón nhận. Xây dựng tờ gấp kỹ thuật về “Kỹ thuật vỗ béo bò thịt” có nội dung dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với nông dân để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng dự án.

Với phương pháp triển khai phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh Thái Bình đã giúp thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi bò của người dân địa phương, bà con biết cách chuyển dần từ nuôi bò theo cách truyền thống, chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Dự án có khả năng nhân ra diện rộng thông qua hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. Từ hỗ trợ ban đầu của dự án với quy mô 640 con bò và 100 hộ tham gia, sau ba năm triển khai đã nhân rộng thêm 26 hộ tham gia, quy mô 114 con bò vỗ béo, đạt 17,8% (năm 2020: 23 con, năm 2021: 42 con, năm 2022: 49 con), đạt mức yêu cầu nhân rộng dự án hơn 15%. Mỗi đối tượng tham gia và hưởng lợi từ dự án sẽ là những nhân tố góp phần lan tỏa tính hiệu quả của mô hình ra cộng đồng nhằm phát triển mô hình vỗ béo bò thịt trong nông hộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và thu nhập cho nông dân, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trần Văn Trung

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình