Hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh sớm xác định việc xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm cũng như chỗ đứng và vị thế của sản phẩm trên thị trường. Đây được coi là “bệ phóng” để nông sản của tỉnh vươn xa, nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn về xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững.

Bùi Ngọc Sơn – Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản tỉnh Điện Biên cho biết: Để có thể xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm này, tỉnh Điện Biên đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, sản xuất nông sản sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bằng cách dành nguồn kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện tem nhãn, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng và tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm OCOP (trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao). Những năm gần đây, các cơ quan, chính quyền địa phương phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là sản phẩm OCOP. Hàng năm, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng, chủ lực tại tỉnh Điện Biên; xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ hàng Việt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức đoàn doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của tỉnh tham gia hội chợ thương mại ở những thị trường lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên và các tỉnh Bắc Lào. Qua đó, nhiều sản phẩm được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.

Để tạo điều kiện cho sản phẩm cà phê Mường Ảng có chỗ đứng trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng. Trong năm 2022, cà phê Mường Ảng được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt về việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được đăng ký bảo hộ đợt này gồm: cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột. Mới đây, cà phê Mường Ảng là 1 trong 21 sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt về việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.

Cùng với việc hoàn thiện các tiêu chí để được cấp chỉ dẫn địa lý, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đang tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, qua các kênh hội chợ thương mại để đưa sản phẩm cà phê Mường Ảng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Xác định rõ cây lúa là loại cây trồng chủ lực, huyện Điện Biên đã nhanh chóng tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển toàn diện như quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; sắp xếp, kiện toàn lại các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thực hiện tốt các khâu cung ứng dịch vụ và chỉ đạo, hướng dẫn nông dân đầu tư sản xuất. Huyện Điện Biên đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng đẩy mạnh áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống, đầu tư thâm canh, đến phòng trừ dịch bệnh; trong đó, nổi bật là đã thành công trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất lúa, từ cấy mạ già sang gieo sạ thẳng bằng tay, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu đã được đưa vào thay thế cho giống lúa địa phương, đây là một bước chuyển biến vượt bậc, góp phần tăng năng suất lúa, đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ của Nhân dân. Qua đó, từ một địa phương thiếu lương thực, đến nay huyện đã đảm bảo được an ninh lương thực và có một phần xuất bán ra thị trường; giá trị, thương hiệu gạo Điện Biên đã được khẳng định và ngày càng phát triển. Nhiều biện pháp canh tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được mở rộng, canh tác lúa cải tiến (SRI) tiếp tục nhân rộng, từng bước sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng và phát triển sản phẩm gạo OCOP huyện Điện Biên.

Tuy nhiên tại Quyết định số 3340, ngày 25/9/2014 của Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên chỉ dùng cho 2 sản phẩm gạo Bắc Thơm số 7 và IR 64. Song hiện nay, trên thị trường nhãn hiệu “Gạo Điện Biên” lại đang sử dụng cho rất nhiều loại gạo khác nhau như: Hương Việt, Séng Cù, Tẻ dâu hay nếp nương. Vi phạm chỉ dẫn địa lý đã và đang khiến thương hiệu gạo Điện Biên ngày càng giảm uy tín trên thị trường cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của cả người sản xuất và kinh doanh sản phẩm.

leftcenterrightdel
Đại biểu và nông dân hội thảo đầu bờ đánh giá chất lượng lúa gạo tại cánh đồng C9 xã Thanh Xương – huyện Điện Biên 

Thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục tập trung trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho nông sản địa phương. Điều này là hết sức cần thiết, bởi ngoài các cơ hội về kinh doanh, thương mại, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân tại địa phương có sản phẩm được đăng ký.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng vật nuôi Điện Biên