Có thể nói xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng lâu dài và là cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang sạch đẹp, phát triển sản xuất toàn diện về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; có nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Không những vậy, xây dựng nông thôn mới còn giúp cho người dân có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trở nên tích cực, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, dân chủ, văn minh…


Cùng với các cấp, các ngành, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã vào cuộc, phối hợp với các ngành và các đơn vị trong ngành Nông nghiệp, đồng hành với nông dân, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.


1. Vai trò của công tác khuyến nông chuyển giao KHKT phục vụ xây dựng nông thôn mới:


Mục tiêu công tác khuyến nông được quy định trong Nghị định số 02/2010/NĐ-CP là:


- Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người sản xuất để tăng thu nhập, thoát đói nghèo, làm giàu thông qua các hoạt động đào tạo nông dân về kiến thức, kỹ năng và các hoạt động cung ứng dịch vụ để hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, thích ứng các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường.


- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.


Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ bao gồm 11 nội dung chương trình cụ thể. Trong nội dung thứ 3 về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập thì một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công tác khuyến nông, đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân.


Căn cứ theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thì công tác khuyến nông đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các địa phương đạt được các tiêu chí về nông thôn mới, bao gồm:


- Tiêu chí số 1 về quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp;


- Tiêu chí số 10 về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn;


- Tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo;


- Tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên;


- Tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất;


- Tiêu chí số 14 về tỷ lệ lao động qua đào tạo;


Trong 6/19 tiêu chí này thì có tiêu chí khuyến nông giữ vai trò trực tiếp, có tiêu chí khuyến nông giữ vai trò gián tiếp để địa phương đạt chuẩn theo quy định. Hoạt động khuyến nông rất đa dạng, gắn với điều kiện sản xuất nông nghiệp cụ thể ở các địa phương nên sự đóng góp xây dựng Nông thôn mới cũng phong phú và thiết thực, hiệu quả.


2. Một số kinh nghiệm về hoạt động khuyến nông tham gia xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc:


Đối với các tỉnh địa bàn trung du, miền núi, công tác khuyến nông chuyển giao KHKT được thực hiện hết sức đa dạng, linh hoạt thông qua nhiều hình thức như: xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo tập huấn kỹ thuật và thông tin tuyên truyền, … để giúp người nông dân phát triển phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Nội dung các TBKT chuyển giao gắn với các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh, sức cạnh tranh cao và phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương, vùng miền. Cụ thể như sau:


a/ Hoạt động xây dựng mô hình trình diễn:


Các mô hình trình diễn khuyến nông được triển khai gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của các xã nông thôn mới. Một số mô hình khuyến nông tiêu biểu:


- Về trồng trọt: có các mô hình sản xuất lúa lai, ngô lai, lúa chất lượng, lúa gieo thẳng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh cải tạo vườn cây ăn quả (nhãn, vải, cam quýt,…), trồng thâm canh chè theo VietGAP, … đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với quy hoạch nông thôn mới.


- Về chăn nuôi: có các mô hình chăn nuôi đại gia súc, (trâu, bò thịt, bò sữa), chăn nuôi lợn ngoại, lợn lai, chăn nuôi gia cầm theo hướng VietGAHP đã góp phần phát triển ngành chăn nuôi, tận dụng các nguồn thức ăn thô xanh và địa bàn rộng của các tỉnh trung du, miền núi.


- Về lâm nghiệp: có các mô hình trồng rừng nguyên liệu (keo, bạch đàn) phục vụ công nghiệp chế biến giấy, trồng rừng gỗ lớn (Giổi xanh, Xoan ta, Xoan đào, các loài Keo, Bạch đàn để lâu năm…) phục vụ chế biến đồ mộc gia dụng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng (thảo quả, ba kích, sa nhân, mây,…).


- Về thủy sản: có các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt truyền thống trong ao, hồ chứa, nuôi các đối tượng thủy đặc sản (cá tầm, cá hồi vân, cá lăng, ba ba gai, cá bỗng,…).


- Về cơ giới hóa: các mô hình ứng dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất lúa, mía, chè, ngô, cây ăn quả,.. với các công nghệ như: tưới nước tiết kiệm, máy làm đất, máy thu hoạch,… đổi mới hình thức sản xuất thông qua các Tổ hợp tác liên kết sản xuất để góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.


- Về ngành nghề nông thôn: có các mô hình phát triển các nghề thủ công truyền thống như nghề mây tre đan, nghề dệt thổ cẩm,… góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn và duy trì, phát triển nghề truyền thống.


Đánh giá về hiệu quả của các mô hình trình diễn khuyến nông:


+ Trên 90% các điểm triển khai mô hình được nông dân tiếp tục ứng dụng và mở rộng vào sản xuất của nông hộ. Thông qua các mô hình trình diễn đã giúp nông dân sản xuất có hiệu quả hơn, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất khoảng 10- 20% so với sản xuất đại trà.


+ Góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gia tăng giá trị và thu nhập của nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.


+ Cung cấp các loại nông sản an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


+ Nâng cao dân trí và tạo tập quán sản xuất hàng hóa, thâm canh cao, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững.


b/ Hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông:


Để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, hệ thống khuyến nông các cấp đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về "Xây dựng nông thôn mới" với các nội dung trọng tâm sau:


- Ở trung ương: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã mở chuyên mục “Xây dựng Nông thôn mới” trên trang Web Khuyến nông Việt Nam và Bản tin Khuyến nông Việt Nam nhằm giới thiệu, thông tin về những chính sách, quy định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; những điểm sáng, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong cả nước. Chuyên mục đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo bà con nông dân cũng như các nhà quản lý, nhà khoa học trong cả nước.


Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương như: Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo kinh tế nông thôn, Báo Nông thôn ngày nay, Truyền hình kỹ thuật số VTC16,… để xây dựng các chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về “Nông thôn mới”. Đặc biệt đã phối hợp với Hệ phát thanh dân tộc (VOV4) của Đài tiếng nói Việt Nam tuyên truyền gần 200 chuyên mục "Nhà nông cần biết" bằng tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Dao giúp bà con dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin một cách hiệu quả hơn.


Đồng thời thông qua các sự kiện khuyến nông như hội thi, hội chợ, diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp đã phổ biến các chủ trương, chính sách về “Xây dựng Nông thôn mới”, chuyển giao KHKT và định hướng phát triển sản xuất cho bà con nông dân ở vùng trung du miền núi phía Bắc.


- Ở địa phương: hệ thống khuyến nông các cấp cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cung cấp thông tin tiến bộ kỹ thuật, cơ chế chính sách, giá cả thị trường kịp thời cho nông dân phục vụ xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương có các hoạt động nổi bật, điển hình như Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Sóc Trăng,...


Ngoài những hình thức thông tin truyền phổ biến nêu trên, một số địa phương có các hình thức tuyên truyền khuyến nông rất sáng tạo và hiệu quả như: Câu lạc bộ khuyến nông, tủ sách khuyến nông, điểm tư vấn, hỏi đáp khuyến nông. Đặc biệt là hình thức "khuyến nông phiên chợ" của các tỉnh vùng cao như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái...


Câu lạc bộ khuyến nông đô thị với sự tham gia của các Trung tâm khuyến nông khuyến ngư các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước với nội dung chia sẻ kinh nghiệm, nội dung hoạt động khuyến nông ở khu đô thị và cận đô thị như: ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng giá trị thu nhập/đơn vị diện tích, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới,...


c/ Hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông:


Để góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất và tỷ lệ nông dân được tập huấn, đào tạo nghề, trong những năm qua hệ thống khuyến nông các cấp đã đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân góp phần thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.


- Về tập huấn kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông và nông dân nòng cốt: với lực lượng cán bộ khuyến nông đông đảo, có trình độ chuyên môn tốt và kinh nghiệm thực tế, có khả năng truyền đạt và thực hành tốt và là những cán bộ trực tiếp thực hiện, chỉ đạo các mô hình khuyến nông nên công tác triển khai rất thuận lợi. Đồng thời hàng năm, hệ thống khuyến nông triển khai hàng nghìn điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp, đây là hiện trường và cơ sở thực hành để phục vụ cho hoạt động đào tạo huấn luyện nông dân. Do vậy hiệu quả của các lớp tập huấn khuyến nông được bà con nông dân đánh giá cao. Các lớp tập huấn khuyến nông vùng trung du miền núi phía Bắc tập trung vào các đối tượng sản xuất có thế mạnh của vùng như: lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc, đại gia súc, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến nông lâm sản, kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc,... đồng thời nâng cao kiến thức thị trường, kiến thức sản xuất nông nghiệp bền vững cho nông dân.


- Về đào tạo nghề: thực hiện chương trình đào tạo nghề của Chính phủ, trong năm 2012- 2013 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với hệ thống khuyến nông các tỉnh trong vùng để triển khai các lớp đào tạo nghề tại các tỉnh: Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên,... với các nghề: trồng chè, trồng rau an toàn, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà. Bước đầu các lớp đào tạo nghề đã phát huy hiệu quả, hầu hết nông dân cho biết năng suất cây trồng, vật nuôi của họ đều tăng hơn so với trước khi được đào tạo nghề. Nội dung chương trình đào tạo cụ thể, thiết thực với nhu cầu của người dân. Chương trình đào tạo linh hoạt, khoa học, được thiết kế phù hợp với thời gian sinh trưởng của cây, con và phù hợp với điều kiện kinh tế, đối tượng nông dân.


Do đối tượng nông dân được tuyển chọn đều là những hộ gia đình có ruộng, vườn sản xuất, có ao, chuồng chăn nuôi do vậy khi học xong 100% học viên có thể áp dụng kiến thức học được và thực tế sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm để bán cho các doanh nghiệp hoặc các thương lái ở chợ đầu mối, góp phần tăng thu nhập ổn định cho gia đình, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Để tạo điều kiện sản xuất ổn định cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để thu mua sản phẩm cho nông dân. Cụ thể:


+ Tại Bắc Giang: Công ty CP Giang Sơn và Công ty CP thực phẩm Xuất khẩu Bắc Giang nhận bao tiêu sản phẩm gà đồi cho nông dân.


+ Tại Yên Bái: Công ty TNHH một thành viên tổng hợp Cửu Long VINASHIN- TP. Yên Bái nhận bao tiêu sản phẩm thịt lợn; Công ty Cổ phần sản xuất Rau, củ, quả Hương Cảnh Yên Bái nhận bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho nông dân.


3. Một số định hướng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động khuyến nông góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới:


Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống khuyến nông trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động khuyến nông cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:


a/ Tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở:


Tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông trong vùng, đặc biệt khuyến nông viên cấp xã, thôn bản theo Nghị định 02 của Chính phủ. Tập trung đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông về các chủ trương, chính sách của Chương trình xây dựng nông thôn mới; tập huấn cho nông dân về kiến thức sản xuất kết hợp với phương thức quản lý sản xuất nông hộ; phương pháp tập huấn nông dân là “cầm tay chỉ việc” với giảng viên là người dân tộc; bồi dưỡng nâng cao tiếng dân tộc cho khuyến nông viên cơ sở.


b/ Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền và đào tạo huấn luyện khuyến nông, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số:


Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền để nâng cao kiến thức sản xuất và quản lý nông trại của nông dân, đặc biệt với người dân tộc, vùng sâu vùng xa, địa phương xây dựng nông thôn mới, vùng sản xuất tập trung…bằng các lớp tập huấn, đào tạo TOT, đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng sách báo, đài truyền hình, phát thanh địa phương bằng tiếng địa phương, đĩa hình đơn giản dễ hiểu, đĩa hình tiếng dân tộc, diễn đàn, hội chợ thương mại, hội chợ giống cây trồng, vật nuôi, máy nông nghiệp… Tập trung tuyên truyền cho cán bộ khuyến nông thôn bản về kỹ thuật sản xuất và thông tin thị trường.


c/ Khuyến nông các cấp, đặc biệt là khuyến nông cấp xã, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Quy hoạch nông thôn mới cấp xã, nhất là quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thường xuyên hướng dẫn nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất để thực hiện tốt quy hoạch sản xuất của địa phương.


d/ Xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn chuyển giao KHKT để phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới:


Tập trung vào các mô hình sản xuất nhằm khai thác lợi thế của các vùng, miền theo chủ trương Tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh ứng dụng các TBKT, công nghệ sản xuất mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao để phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị và phát triển bền vững.


Phát huy những kinh nghiệm và thành tích đã đạt được trong 20 năm qua, trong thời gian tới Hệ thống khuyến nông Việt Nam tiếp tục chung tay góp sức thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

 

TS. Phan Huy Thông
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia