Cơ cấu đề án Cơ giới hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 của Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đối với ngành trồng trọt, cơ giới hóa làm đất đạt 90 - 95% diện tích; khâu gieo cấy đạt 40 - 45%; khâu thu hoạch đạt 45 - 50%; từng bước áp dụng cơ giới hóa trong khâu bảo quản, chế biến nông sản. Hiện nay, tổng diện tích đất gieo cấy lúa hàng năm khoảng 200.000ha với khoảng 6.664 máy làm đất các loại; 334 máy gặt đập liên hợp. Việc mở rộng diện tích lúa gieo sạ còn hạn chế do không chủ động nguồn nước tưới đầu vụ; khi gieo vụ Xuân gặp rét đậm, rét hại đầu vụ; vụ Mùa lại có mưa lớn đầu vụ là khó khăn chính trong việc mở rộng diện tích gieo sạ. Cơ giới hóa trong sản xuất lúa cần phải đưa máy móc vào đồng ruộng đồng bộ từ khâu làm đất, gieo thẳng lúa đến thu hoạch. Để mở rộng diện tích sản xuất lúa theo cơ giới hóa, Ban chỉ đạo đề án đã và đang đề nghị các địa phương tăng cường xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm tuyên truyền vận động nông dân hưởng ứng áp dụng, sử dụng máy cấy và máy gặt đập liên hợp. Đồng thời, các huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo dồn ô, đổi thửa, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống tưới tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng. Các hộ dân có ruộng liền kề cần liên kết để phá bờ vùng bờ thửa. Cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ từ thành phố đến các huyện, thị xã và cơ sở nhằm khuyến khích, thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật mạ khay, máy cấy.

 

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, vụ Xuân 2012 Hà Nội triển khai 5 mô hình sản xuất mạ khay, máy cấy tại các huyện, thị xã. Kết quả cho thấy, đây là mô hình mới triển khai lần đầu, kinh nghiệm sản xuất thực tiễn và công tác làm mạ còn gặp nhiều khó khăn. So với phương pháp truyền thống, cấy lúa bằng máy nên cấy nông và thưa, lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, trỗ tập trung, bông dài và to, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, cho năng suất cao, giảm được chi phí thuê cấy (khoảng 5 - 6 triệu đồng/ha), được bà con nông dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

 

Tại cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình lúa cấy bằng máy tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội đầu tháng 6/2012 các chuyên gia, nhà khoa học đã khẳng định: sản xuất lúa theo phương pháp sản xuất mạ khay và cấy lúa bằng máy đã thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún; tạo sự liên kết trong sản xuất; thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa, đây là điều kiện để hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.

 

Giải pháp đầu tư đồng bộ, mở rộng diện tích mạ khay, đưa máy cấy, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất lúa sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất của người nông dân, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội.

 

Hải Đường