Hội nghị nhằm triển khai khung cơ chế, chính sách và định hướng chỉ đạo thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025; thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai; các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh hội nghị

 

Báo cáo tại Hội nghị của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho thấy, tính đến hết tháng 7 năm 2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 803 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 300 xã so với cuối năm 2021) và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 51 xã so với cuối năm 2021); có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 đến 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

So với giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cấp xã, huyện; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và cấp thôn đạt chuẩn NTM. Chương trình được triển khai, thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước. Quy mô thực hiện trên địa bàn 8.227 xã (bao gồm cả 1.458 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 644 đơn vị cấp huyện có xã (bao gồm cả 74 huyện nghèo) thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Về bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025, đối với cấp xã, cơ bản giữ nguyên số lượng 19 tiêu chí NTM, bố cục của bộ tiêu chí, mức đạt chuẩn và nội hàm của Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 để áp dụng cho các xã phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2025, với số lượng 19 tiêu chí, bao gồm 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020).

Tại hội nghị, đã có 10 ý kiến tham luận của các địa phương, 07 ý kiến của các bộ, ngành trung ương. Qua đó, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là một trong 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia góp phần chuyển đổi nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phải là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Bộ trưởng lưu ý, tất cả cán bộ công chức thuộc bộ hãy bước ra khỏi khuôn viên cơ quan của mình để cùng nhau hỗ trợ thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu kết luận Hội nghị

 

Bộ trưởng nêu 06 vấn đề trọng tâm để Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 triển khai một cách hiệu quả. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đến thời điểm hiện tại, tất cả văn bản bao gồm Nghị quyết, Quyết định, Thông tư, Hướng dẫn đã hoàn thiện, đủ điều kiện tổ chức thực hiện. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẵn sàng lắng nghe và kịp thời phản hồi một cách nhanh nhất để không làm ách tắc quá trình triển khai của các địa phương.

Thứ hai, về nguồn vốn, bao gồm vốn đầu tư và nguồn vốn sự nghiệp, sẽ không đủ để đạt được mục tiêu một Chương trình vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hóa, xã hội nông thôn. Ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương. Mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch để thu hút các nguồn lực, đồng hành, hỗ trợ sát sao với cấp cơ sở.

Thứ ba, chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng, mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua, đảm bảo NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống.

Thứ tư, hình ảnh NTM cần dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn. Đề nghị các địa phương có nhiều sáng kiến để sau khi kết thúc chương trình có thể tự hào giới thiệu cho cả nước, thậm chí là cả thế giới, hình ảnh “di sản nông thôn” của địa phương mình, hơn là sao chép nơi khác, rập khuôn lẫn nhau. Đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức giải thưởng hàng năm về quy hoạch và kiến trúc cảnh quan nông thôn trong thời gian tới.

Thứ năm, tổ chức lại sản xuất là yếu tố quyết định tăng thu nhập nông dân, tổ chức lại sản xuất trên nền tảng tổ chức lại xã hội nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức lại đội ngũ khuyến nông cộng đồng để hướng tới nhiều mục tiêu, trong đó có xây dựng và phát triển NTM.

Thứ sáu, gần đây bên cạnh tiêu chí NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, nhiều địa phương đã có sáng kiến kết hợp xây dựng Làng thông minh, Làng hạnh phúc, Làng văn hoá du lịch… Các mô hình Hội quán ở Đồng Tháp, Nông hội ở Gia Lai, Ngôi nhà Trí tuệ ở Hà Tĩnh,… được đánh giá hiệu quả, tạo ra không gian sinh hoạt thiết thực cho cộng đồng dân cư nông thôn. Bộ trưởng mong rằng, những sáng kiến, những mô hình này sẽ được tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng lan toả ở các địa phương trên cả nước trong thời gian tới.

Thúy Hiên

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia