Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, Chương trình OCOP đã được chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Cam Lâm quan tâm triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh Khánh Hòa, huyện Cam Lâm đã đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP trên địa bàn huyện. Trong năm 2022, đã có 05 sản phẩm của 04 chủ thể đăng ký và được hỗ trợ gồm: Xoài Úc và Xoài Tứ Quý (Tổ hợp tác trồng xoài VietGAP Cam Tân); Xoài sấy Cam Lâm (Công ty TNHH Camlamonline); Xoài Úc Khánh Hoà Phát (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khánh Hoà Phát) và Xoài Úc Cam Thành Bắc (Hợp tác xã Cây ăn quả Cam Thành Bắc), nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 06 sản phẩm với 05 chủ thể đã được hỗ trợ, xét chọn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
|
|
Một số sản phẩm đăng ký tham gia OCOP năm 2022 |
Năm 2023, huyện Cam Lâm sẽ tiếp tục tập trung rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để lựa chọn, thực hiện chương trình OCOP nhằm mục tiêu đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường (truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu, bán hàng,...); nâng cao chất lượng đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn Chương trình OCOP, hoàn thiện hồ sơ nâng cấp lên 4 và 5 sao vào các năm tiếp theo. Đối với sản phẩm mới, khuyến khích các sản phẩm có nguồn nguyên liệu ổn định tại địa phương, dự kiến sẽ có từ 7 – 10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với kinh phí thực hiện dự kiến 1.624 triệu đồng (trong đó: Ngân sách tỉnh là 1.336 triệu đồng, vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân là 288 triệu đồng).
Trong thời gian tới, huyện Cam Lâm sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP đến các cộng đồng dân cư; tổ chức hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm và xây dựng kế hoạch kinh doanh; lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Trần Nhài
Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa