Tuy nhiên, nghề nuôi ong mật tại Bắc Hà vẫn còn mang tính truyền thống, nguồn ong giống được nuôi chủ yếu là ong tự nhiên. Người nuôi ong chỉ áp dụng theo kinh nghiệm, chưa tiếp cận quy trình kỹ thuật nuôi ong dẫn đến sản lượng mật thấp, xảy ra hiện tượng ong bốc bay thường xuyên.

 

Nhằm phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật và khai thác hết tiềm năng, lợi thế ở địa phương từ năm 2022- 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hợp tác xã nông nghiệp Cồ Dề Chải triển khai dự án “Xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi ong, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Trong năm 2024, với quy mô 350 đàn ong mật (giống ong nội Apis Cerana) và 07 hộ tham gia tại Nậm Mòn - Bắc Hà, các hộ tham gia được hỗ trợ giống ong cùng với các vật tư phục vụ nuôi và khai thác mật, đồng thời được tham gia tập huấn về các kỹ thuật nuôi ong lấy mật.

leftcenterrightdel

Cấp phát vật tư cho các hộ tham gia mô hình

 

Nhờ tuân thủ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn ong phát triển tốt, năng suất mật bình quân năm 2024 đạt 18,21 kg/đàn/năm. Các hộ dân được hoạt động sản xuất trong môi trường HTX theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm mật ong của các hộ được ký bao tiêu toàn bộ với giá thu mua từ 140.000 - 150.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ong trong dự án tăng 24,3% so với mô hình nuôi ong truyền thống tại địa phương. Sản phẩm mật ong từ dự án, Hợp tác xã nông nghiệp đã thu mua và bước đầu xây dựng thương hiệu mật ong Bắc Hà để đưa đến người tiêu dùng.

 

Mô hình đã chuyển giao các tiến bộ khoa học phát triển nghề nuôi ong và chế biến sản phẩm mật ong, góp phần hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa, mang lại lợi ích về kinh tế xã hội, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

 

Nuôi ong mật giúp bà con nông dân có nguồn thu ổn định từ mật ong, sáp ong và các sản phẩm phụ khác như phấn hoa. Ong mật đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn cho cây trồng. Sự thụ phấn của ong mật giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.

leftcenterrightdel
 Mô hình nuôi ong mật tại huyện Bắc Hà 

Thông qua các hoạt động dự án đã làm thay đổi nhận thức của người nuôi ong mật trong việc áp dụng kỹ thuật như công tác chọn giống, địa điểm nuôi, kỹ thuật nuôi dưỡng và khai thác sản phẩm trong nghề nuôi ong mật tại địa phương. Nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ phát triển bền vững ngành nuôi ong mật.