Từ tháng 5/2023 đến nay, trường đã triển khai xây dựng 4 mô hình do 8 hộ dân tại các xã Châu Thái, xã Châu Đình của huyện Quỳ Hợp - Nghệ An và xã Phú Nhuận, xã Yên Lạc thuộc huyện Như Thanh -Thanh Hoá thực hiện.

 

Để dự án triển khai đúng đối tượng, trong suốt thời gian triển khai, Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và địa phương lựa chọn được 08 hộ đủ điều kiện tham gia xây dựng mô hình. Theo đó, mỗi mô hình có quy mô 250 con lợn thịt/mô hình, các hộ tham gia được hỗ trợ 70% chi phí về con giống, vật tư (bao gồm vắc xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm sinh học, thuốc tẩy KST) và 23% chi phí thức ăn. Đơn vị chủ trì đã tiến hành tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ thuật với tổng số 320 học viên (trong đó 80 học viên trong địa bàn xây dựng mô hình và 240 học viên các xã ngoài mô hình), cấp phát 2.920 tờ rơi, cắm 08 biển báo mô hình tại hộ sản xuất. Tổ chức 04 hội nghị sơ kết tổng kết và 04 hội nghị thăm quan mô hình cho đại biểu và học viên; đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật xuyên suốt quá trình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP với 08 cán bộ kỹ thuật theo dõi giám sát (01 cán bộ/1 hộ chăn nuôi).

 

Lợn giống là lợn lai thương phẩm 3 máu, đảm bảo lợn giống khỏe mạnh, có khối lượng trung bình từ 10kg. Qua 2 năm thực hiện, kết quả mô hình có tỷ lệ sống đạt 100%, với khối lượng xuất chuồng trung bình là 104,9 kg/con năm 2023, 105,7 kg/con năm 2024. Tiêu tốn thức ăn bình quân là 2,51 kg thức ăn/kg tăng trọng. Kết quả này cho thấy việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến do dự án hướng dẫn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ xây dựng mô hình, cao hơn 15,51% so với phương thức nuôi đại trà tại địa phương.

 

Ông Lê Huy Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc triển khai chương trình VietGAHP trong chăn nuôi lợn tại các trang trại trên địa bàn thiết thực và cần thiết. Trước kia, chăn nuôi mang tính truyền thống tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và đầu ra bấp bênh, nhưng sau khi được tiếp cận sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia và quy trình kỹ thuật chăn nuôi từ trường đại học Hồng Đức, bà con được tiếp thu nhiều kiến thức mới. Chúng tôi sẽ duy trì các mô hình dự án và nhân rộng mô hình để đảm bảo chất lượng chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi”.

leftcenterrightdel

Ông Lê Huy Tân - P.Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận phát biểu tại lớp tập huấn thuộc mô hình

 

Toàn bộ mô hình của dự án đã được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận TQC CGLOBAL cấp chứng nhận VietGAHP và được Công ty CP Phát triển Nông nghiệp và Khuyến nông Việt Nam, Công ty TNHH Mami Farm thu mua toàn bộ số lợn nuôi với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua là 1.000 đồng/kg lợn hơi.

 

Với những hiệu quả dự án đem lại cho người chăn nuôi, người tiêu dùng và cộng đồng, mô hình chăn nuôi lợn thịt chứng nhận VietGAHP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm kỳ vọng sẽ trở thành một trong những hướng phát triển bền vững cho người chăn nuôi lợn tại địa phương.

 

Trường ĐH Hồng Đức