Nhanh nhẹn, hoạt bát là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Chính (sinh năm 1997) ở bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên - một thanh niên trẻ có khát vọng vươn lên làm giàu từ đồng đất quê hương.

Gặp anh Chính trên đồi chè đang vào vụ thu hoạch, anh chia sẻ: “Đáng lẽ em làm kỹ sư điện ấy chứ, em đang đi học thì bố mất, một mình mẹ em không kham được hết 8 ha chè nên em xin bảo lưu kết quả học để về giúp mẹ”. Thế là chàng kỹ sư tương lai về làm chè như một cơ duyên. Anh cũng nói về những ngày đi học dưới Hà Nội, với tư duy nhạy bén anh đã mang sản phẩm chè của nhà mình xuống giới thiệu bán tại các cửa hàng dưới Hà Nội nhưng do là sản phẩm chè làm thủ công, không có bao bì, nhãn mác nên chủ yếu được bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ với các mối quen cũ. Khi về nhìn đồi chè rộng “miên man”, giá chè tươi lên xuống phập phù, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng làm chè chậm được xuất bán nên thiếu vốn để trả cho người dân, anh Chính trăn trở tìm đầu ra cho chè của nhà mình.

Qua tham khảo thị trường, anh thấy người tiêu dùng rất chuộng chè Kim Tuyên do có vị chát vừa, ngọt hậu nên anh đã xin mẹ hơn 1 ha chè Kim Tuyên cằn cỗi do thiếu người chăm sóc được trồng từ năm 2010 để gây dựng sự nghiệp.

Anh Chính (áo xanh) tham gia lớp tập huấn chăm sóc, chế biến và bảo quản chè búp tươi

 

Từ kinh nghiệm làm chè thực tế và kiến thức được học hỏi qua sách, tivi, qua tập huấn cùng với các cán bộ khuyến nông, anh tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, cắt giảm phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc bón lá mà sử dụng chế phẩm sinh học để khi chế biến ra chè thành phẩm có chất lượng cao hơn. Ngoài ra, đến vụ thu hoạch chè, anh không cắt máy mà thuê người hái tay theo đúng yêu cầu kỹ thuật “1 tôm, 2 lá”. Sẵn có máy sao chè, máy vò chè của gia đình, anh tự mày mò, học hỏi chế biến chè Kim Tuyên khô để bán.

Nhận thấy nguồn nguyên liệu chè nhiều, anh Chính còn đầu tư hơn 70 triệu đồng mua thêm 2 máy sao chè, 4 máy vò và 1 máy hút chân không để sản xuất chè với số lượng lớn, phục vụ nhu cầu thị trường. Cùng với chè của gia đình, anh còn vận động các hộ trong vùng hái chè theo kỹ thuật để chế biến thành chè khô. Hiện nay, trừ chi phí, thu nhập của anh Chính từ cây chè luôn ổn định ở mức 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng; vào vụ thu hoạch chè thuê khoảng 20 lao động thời vụ với mức lương 150 - 250 nghìn đồng/người/ngày.

Có sản phẩm chất lượng nhưng đầu ra lại chủ yếu ở những cửa hàng và mối quen ở Hà Nội, Điện Biên, thành phố Lai Châu, anh lại tiếp tục tìm đường tiêu thụ sản phẩm chè làm ra. Qua tìm hiểu và được tuyên truyền về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), anh Chính mạnh dạn đăng ký tham gia một sản phẩm lấy tên trà Kim Tuyên Phúc Khoa. Sau quá trình vừa làm, vừa học hỏi, trung tuần tháng 7 vừa qua, sản phẩm trà Kim Tuyên Phúc Khoa của anh được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá đạt 3 sao. Sản phẩm trà đảm bảo được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy suất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đánh giá rất cao về hương vị thơm ngon, dễ uống,

Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng chế biến chè, anh Chính chia sẻ bí quyết cho ra loại chè hảo hạng để khách hàng chỉ dùng một lần là nhớ mãi. Theo anh kể, giống chè Kim Tuyên được coi là đặc sản, bởi hương vị thơm ngon đặc biệt. Ngoài được chăm sóc kỹ lưỡng thì chè Kim Tuyên trồng trên đất Phúc Khoa hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên rất thơm ngon. Song, để sản phẩm chinh phục được khách hàng khó tính, phải quan tâm tới quá trình chế biến chè và có bí quyết riêng bởi chè có ngon hay không phụ thuộc nhiều vào khâu này. Ví dụ như trong giai đoạn sao thì lửa thật to thì chè mới xanh, còn sao lần 2 lửa vừa phải và thật đều thì chè mới thơm và từng cánh chè đều, đẹp, không bị gãy.

Sản phẩm trà Kim Tuyên Phúc Khoa của anh Chính được công nhận đạt OCOP 3 sao

 

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Chính bộc bạch: “Dù sản phẩm trà Kim Tuyên Phúc Khoa của em đã đạt OCOP 3 sao song em vẫn phải tiếp tục nỗ lực nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng biết đến ngày một nhiều hơn”.

Chị Lê Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, cho biết: “Anh Chính là thanh niên tuổi còn trẻ nhưng suy nghĩ tính toán rất chu đáo, ham học hỏi những kiến thức hay, mới để áp dụng vào sản xuất. Anh Chính cũng rất hay giúp đỡ, chia sẻ kiến thức sản xuất chè đến bà con trong bản để cùng nhau phát triển kinh tế nên được mọi người rất tin tưởng và làm theo”.

Chia tay anh Chính khi mặt trời đang dần khuất sau dãy núi, tin rằng, với quyết tâm và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Chính sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường đã chọn.

Nguyễn Thị Thùy Dương

Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu