Hộ ông Vũ Văn Liên, phường Sông Bờ, thị xã Ayunpa là một trong những hộ chăn nuôi gà theo phương thức này. Khu vườn của ông có diện tích gần 1 ha, phía trước ông trồng chuối và cây ăn trái, phía sau nhà khoảng 500 m2 ông dựng chuồng trại nuôi gà, với 2400 con. Đây là năm thứ ba kể từ khi ông bắt đầu nuôi gà.

 

Ông Liên cho biết, bắt tay vào nuôi gà, ông luôn kiên trì học tập kinh nghiệm của những người đi trước, từ khâu chọn con giống, đến cách bố trí chuồng trại hợp lý; khâu chăm sóc, cho ăn, sưởi ấm theo từng giai đoạn. Để có giống gà phù hợp với phương thức nuôi này, ông phải đến tận Trung tâm giống vật nuôi Bình Định, chọn đúng giống gà thả vườn.

 

Gọi là gà thả vườn, vì giống gà này sau khi ăn no thì được thả ra khoảng vườn đã được chăng lưới để chúng vận động. Chuồng gà được rải phân vi sinh trộn lẫn với mùn cưa hoặc vỏ trấu, loại phân này có tác dụng tiêu hủy phân gà, không gây mùi hôi thối, đồng thời diệt được các sinh vật gây hại cho gà. Thức ăn cho gà là cám gia cầm và các loại rau sẵn có trong vườn. Khẩu phần ăn tùy theo giai đoạn phát triển của gà. Đồng thời phải dựa trên điều kiện thời tiết để giữ ấm cho chúng.

 

Theo kinh nghiệm của ông Liên, nuôi gà vừa dễ lại vừa khó. Khó ở chỗ phải theo dõi gà suốt cả quá trình nuôi bởi đây là giống vật rất nhạy cảm với thức ăn, thời tiết và cả thuốc phòng bệnh… Nếu đảm bảo điều kiện chăn nuôi hiệu quả thì trung bình mỗi lứa gà cho khoảng 1000 con, sau hơn 3 tháng chăn nuôi, có thể cho lãi trên 30 triệu đồng.

 

Ưu điểm để phát triển chăn nuôi gà thả vườn là giống gà này có trọng lượng trên dưới 1,5kg, thịt của chúng lại thơm ngon và dai như gà ta, nên rất thích hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Qua 3 năm phát triển chăn nuôi ở một số hộ gia đình, có thể khẳng định đây là bước đi đúng, mạnh dạn, sáng tạo của bà con. Để ổn định phương thức chăn nuôi này, ngành chức năng thị xã Ayun Pa cần phải có quy hoạch và kiểm soát , nhằmgiúp bà con nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

 

Hương Trà