Mời chúng tôi thưởng thức những quả vải mọng nước, ngọt lịm của vườn nhà mình, anh Trung cho biết: Anh sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Nguyên, năm 1996 theo lời bạn bè rủ rê anh vào đất Sông Hinh làm nghề đãi vàng. Qua 2 năm trời khó nhọc nhưng vàng đâu chẳng thấy chỉ thấy bệnh tật và tay trắng. Từ bỏ nghề đào vàng, quyết tâm định cư trên đất sông Hinh, anh chuyển sang nghề đi rừng và làm thuê mướn cho nông dân tại địa phương. Vất vả nhưng chẳng đủ sống, anh bắt đầu vay mượn tiền mua đất trồng sắn, mía để nuôi sống bản thân và gia đình.

Cuộc sống gia đình anh dần ổn định nhưng giai đoạn năm 2016-2017 giá thu mua mía, sắn bấp bênh, anh nản chí không muốn đầu tư vào 2 loại cây trồng này và chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác mang lại kinh tế hiệu quả hơn. Năm 2017, qua việc đi tham quan học tập các nhà vườn tại huyện M'Drắk, tỉnh Đắc Lắc, anh bắt đầu cải tạo đất trồng 3.000m2 để trồng vải thiều với số lượng 800 cây. Anh Trung cho biết cây vải rất phù hợp trên đất Sông Hinh, cây dễ trồng, dễ chăm sóc, các khoản chi phí phân bón, công chăm sóc, tưới nước hầu như không đáng kể. Tuy nhiên muốn cây vải cho năng suất cao, hạn chế sâu bệnh thì người trồng phải biết các kỹ thuật khoen gốc, siết nước và xử lý, chăm sóc cây ngay từ đầu vụ. Thông thường tháng 9 âm lịch hàng năm anh bắt đầu tưới nước, bón phân, xử lý cây, khoen gốc… Qua tết âm lịch thì cây vải bắt đầu đơm hoa, đậu quả. Ở giai đoạn này cần chủ động phun thuốc phòng ngừa đối tượng sâu đục cuống quả. Cây vải trồng trên đất Sông Hinh cho quả rộ và thu hoạch dứt điểm trong vòng 1 tháng vào khoảng tháng 4-5 âm lịch trong khi mùa vải tại miền Bắc cho thu hoạch sau đó khoảng 1 tháng nên không bị tình trạng đụng hàng, rớt giá. Sau 7 năm trồng đến nay vườn vải của gia đình anh đã cho thu hoạch rộ, mỗi cây cho sản lượng khoảng 100 kg, với giá bán tại vườn bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, anh thu nhập được trên 200 triệu đồng/năm.

leftcenterrightdel

Anh Lưu Thanh Trung bên vườn vải của gia đình mình 

Không chỉ dừng lại ở cây vải thiều, anh Trung cũng đã học tập và trồng thêm cây mắc ca. Hiện tại vườn nhà anh trồng 3 ha mắc ca với số lượng khoảng 600 cây (200 cây/ha), giống QN1, hiện đang trong giai đoạn năm thứ 5 và đã ra trái với số lượng từ 3-5 kg trái/cây. Theo anh Trung, cây mắc ca cũng được xem là đối tượng cây ít bị sâu bệnh, giá thu mua ổn định và ở mức cao. Hiện tại trên thị trường tỉnh Đắc Lắc giá thu mua hạt mắc ca chưa qua sơ chế là từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, hạt mắc ca đã qua sơ chế và phân loại có giá 100.000 đến 110.000 đồng/kg. Cây mắc ca ở giai đoạn 12 năm tuổi có thể cho thu hoạch 100 kg quả/cây. Cây mắc ca khi trồng cần lưu ý đến chất lượng của giống, đồng thời đất trồng mắc ca dứt khoát không được ngập úng.

Với giá thu mua hạt mắc ca ở mức cao, năng suất cây mắc cao sẽ tăng dần trong thời gian tới và vườn vải cho thu nhập ổn định như hiện nay, anh Trung tin chắc vườn nhà mình sẽ thu được tiền tỉ trong thời gian tới. Mọi người có thể liên hệ với anh Lưu Thanh Trung để tham quan và học tập kinh nghiệm trồng vải thiều, mắc ca của anh qua địa chỉ thôn Tân Sơn, xã Ealy, huyện Sông Hinh, điện thoại 0383432863

leftcenterrightdel

Anh Lưu Thanh Trung với vườn mắc ca đang cho quả 

Phạm Minh Nhật

Trung tâm Khuyến nông Phú Yên