Ông Quốc chia sẻ với chúng tôi, gia đình ông có 1,3 ha đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu canh tác lúa. Đến năm 2000 nhà nước cho chuyển dịch sang nuôi tôm nên gia đình ông bắt đầu nuôi và chủ yếu nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống. Tuy nhiên hiệu quả và năng suất thấp, chỉ khoảng 100 – 200 kg/ha/năm, dịch bệnh trên tôm như đốm trắng, đầu vàng... thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập gia đình.
Với tinh thần quyết tâm, học hỏi, ông đã tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, các hội, ban ngành, đoàn thể tổ chức. Ngoài tham gia các lớp tập huấn, ông còn tham gia học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đúc kết kinh nghiệm từ các chuyến tham quan học tập, các lớp tập huấn kỹ thuật đã giúp ông hiểu hơn về mô hình nuôi xen canh lúa - tôm càng xanh, luân canh tôm sú, từ đó ông mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.
Năm 2014 đến nay ông chuyển sang nuôi theo mô hình này và hiệu quả đem lại rất khả quan. Theo đó, năng suất lúa ST24 đạt 5 tấn/ha, tôm sú 300-500 kg/ha, tôm càng xanh 300 – 500 kg/ha, tổng thu nhập bình quân sau khi trừ các khoản chi phí trong sản xuất, ông thu được trên 180 triệu đồng/năm.
|
|
Mô hình xen lúa - tôm càng xanh, luân canh tôm sú của ông Quốc cho hiệu quả khả quan |
Ông cho biết, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa luân canh tôm sú về mặt sinh học sẽ tách được mầm bệnh cho tôm sú sau khi kết thúc vụ lúa - tôm càng xanh, đồng thời cây lúa không chỉ giúp phân giải độc tố trong quá trình nuôi mà còn là nguồn thức ăn dồi dào cho tôm sú vụ luân canh. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả mô hình “xen canh lúa - tôm càng xanh, luân canh tôm sú” thì người nuôi cần lưu ý các điểm sau:
- Đối với cây lúa: Cần chọn những giống ngắn ngày thích nghi với vùng đất địa phương như ST24, ST25, OM2517, lúa lai…; mật độ sạ thưa từ 80-100 kg/ha; tuân thủ lịch mùa vụ hàng năm được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo; tranh thủ các đám mưa tiến hành rửa mặn triệt để, ngoài ra thường xuyên thăm đồng để có giải pháp xử lý cho phù hợp.
- Đối với tôm càng xanh: nên thả nuôi mật độ từ 2-3 con/m2 và được ương trong ao gièo từ 30 - 45 ngày, sau đó chuyển sang ruộng lúa; thường xuyên bổ sung phân hữu cơ định kỳ cho vuông nuôi để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Ngoài ra trong quá trình nuôi khi tôm đạt kích cỡ lớn bổ sung thêm ốc bươu vàng, cá tạp, khoai mì, khoai lan, hoặc ngâm lúa mầm,… để cho tôm ăn và định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học 10-15 ngày một lần để làm sạch nền đáy và ổn định môi trường.
- Đối với tôm sú: sau khi thu hoạch lúa, tôm càng xanh cần tiến hành cải tạo vuông nuôi triệt để, xử lý rốc rạ, kết hợp bón phân hữu cơ tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm; nên thả nuôi mật độ từ 1-2 con/m2, tôm giống kích cỡ lớn từ 2-2,5cm và định kỳ từ 10-15 ngày sử dụng chế phẩm sinh học một lần để làm sạch đáy vuông và phân hữu cơ để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.
Ngoài thực hiện hiệu quả mô hình “xen canh lúa - tôm càng xanh, luân canh tôm sú” giúp nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, ông Mai Văn Quốc còn kêu gọi bà con xung quanh thành lập Hợp tác xã sản xuất tôm lúa với tên gọi Hợp tác xã Quyết Tiến, có 26 thành viên tham gia. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên Hợp tác xã trên 100 triệu đồng/năm.
Qua cách làm và hiệu quả từ mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh, luân canh tôm sú của ông Mai Văn Quốc, chúng tôi nhận thấy mô hình sản xuất đa canh có nhiều lợi thế hơn so với các mô hình sản xuất độc canh như tận dụng tối đa diện tích canh tác; các đối tượng nuôi, trồng có mối quan hệ hài hòa, hỗ trợ nhau; giảm thiểu chi phí sản xuất; giảm rủi ro; tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường, phù hợp với vùng sản xuất lúa tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau và cần được triển khai nhân rộng trong thời gian tới./.
Trần Thanh Hải
Trung tâm Khuyến nông Cà Mau