Tới thăm gia đình anh Hảng Seo Mào, một gia đình có nền kinh tế khá phát triển nhờ nghề nuôi và buôn bán trâu ở xã Hoàng Thu Phố. Anh Mào cho biết: trước đây gia đình anh cũng là hộ khó khăn, nhưng bắt đầu từ năm 2008 do học hỏi được cách làm ăn của bạn bè ở các nơi nên gia đình anh đã mạnh dạn thế chấp nhà vay tiền ngân hàng để đầu tư nuôi trâu theo hướng hàng hóa, đó là vỗ béo trâu rồi mang bán lại với giá cao hơn. Sau nhiều lần làm thử, có kinh nghiệm gia đình anh đã mở rộng hơn việc nuôi vỗ béo. Hàng tuần anh đi khắp các chợ ở huyện Bắc Hà và Si Ma Cai để tìm mua những con trâu gầy, bé để về chăm sóc vỗ béo. Anh trồng cỏ, trồng cây ngô làm thức ăn cho trâu, đồng thời nấu thêm cám ngô cho trâu ăn. Anh Mào cho biết thêm, gia đình anh thường chăm sóc trâu từ 3 đến 6 tháng rồi mang bán lại với tiền lãi thu được từ 2 đến 3 triệu đồng một con, chủ yếu là lấy công sức để làm lãi. Không chỉ nuôi trâu vỗ béo, gia đình anh còn chọn những con trâu có giống tốt để nuôi trâu sinh sản kinh doanh. Nhờ nuôi trâu theo hướng hàng hóa, vỗ béo kinh doanh, gia đình anh Hảng Seo Mào đã trở nên khá giả, trả hết được nợ ngân hàng, mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên 50 triệu đồng từ nghề chăn nuôi. Gia đình anh đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã Hoàng Thu Phố và được xã tặng nhiều giấy khen trong 4 năm trở lại đây.
Đến gia đình chị Sùng Thị Dài ở thôn Hóa Chéo Chải, xã Hoàng Thu Phố, chị Dài cho biết, gia đình chị hiện chỉ còn một con trâu, từ trước tết gia đình chị đã xuất chuồng 4 con trâu được chăm sóc từ tháng 7 do gia đình mua ở xã Cốc Ly về. Bên cạnh công việc nhà nông của gia đình thì công việc chủ yếu của gia đình chị là lo đầy đủ nguồn thức ăn để chăm sóc thật tốt cho đàn trâu, bởi công việc này tạo ra một nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình chị. Chị Dài cho biết, ngoài việc trồng các loại cây nông nghiệp, mỗi năm gia đình chị chăm sóc vỗ béo từ 10 đến 15 con trâu, cũng đã giúp cho gia đình chị có thêm thu nhập từ 25 đến 35 triệu đồng. Điều đáng nói là việc chăm sóc trâu lại chủ yếu dựa vào những sản phẩm nông nghiệp của gia đình như cây ngô, rơm, rạ tích trữ… được nên giảm được chi phí đầu tư rất nhiều.
Được biết ở xã Hoàng Thu Phố trong hai năm trở lại đây xuất hiện hàng chục hộ gia đình đã thực hiện có hiệu quả mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa - vỗ béo gia súc rồi bán, nhưng trong đó điển hình vẫn là gia đình anh Hảng Seo Mào, Sùng Seo Sào, chị Sùng Thị Dài ở thôn Hóa Chéo Chải và gia đình anh Hảng Seo Xóa ở thôn Sỉn Chồ 2. Trong xã, đây là những hộ gia đình thực hiện duy trì thường xuyên mua bán trao đổi, vỗ béo trâu với số lượng nhiều hơn và có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ông Lý Seo Sùng - phó chủ tịch UBND, xã Hoàng Thu Phố cho biết: đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng ở Hoàng Thu Phố, bởi là xã với đa phần là người dân tộc thiểu số sinh sống nên còn rất nhiều hạn chế khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao, nhưng cùng với sự phát triển của nghề nông thì có thêm sự phát triển của nghề chăn nuôi theo hướng hàng hóa - đã giúp cho nhiều hộ gia đình trong xã có thêm điều kiện phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Từ những kinh nghiệm vốn có và hiệu quả thực tế từ nuôi trâu vỗ béo trên địa bàn xã Hoàng Thu Phố như hiện nay, hy vọng nghề nuôi trâu theo hướng hàng hóa trong xã sẽ phát triển mạnh hơn để giúp người dân cải thiện cuộc sống, đặc biệt là tạo được một bước đột phá mới trong nghành chăn nuôi của xã trong thời gian tới.
Đức Toàn - Đài TT – TH Bắc Hà, Lào Cai