Nói tới ông không chỉ người dân địa phương mà hầu như các chủ trại nấm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều biết tới như một người giàu tính sáng tạo, nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng nấm, luôn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trước đây, vốn là một công chức nhà nước nhưng do thích nông nghiệp nên ông dành thời gian trồng một ít nấm bào ngư để làm thực phẩm sạch cho gia đình. Rồi ông bén duyên với nghề trồng nấm hồi nào không hay để quyết định lấy nghề trồng nấm làm nghề chính cho mình và gia đình.
Khởi nghiệp, ông thuê đất để đầu tư xây dựng 8 trại trồng nấm, diện tích mỗi trại khoảng 70 m2. Sau 2 năm, ông đầu tư thêm 14 trại nấm nữa và cứ thế mỗi năm ông tiếp tục mở rộng sản xuất. Đến nay ông đã có 66 trại trồng nấm liên tục 3 vụ/năm, bình quân mỗi vụ trồng 7.000 bịch phôi/trại.
Qua tính toán sơ bộ, mỗi ngày trại nấm của ông sản xuất được 700 kg nấm và tăng lên 1 tấn vào các ngày rằm, ngày chay. Tính đủ các khoản chi phí trực tiếp và khấu hao cơ sở vật chất, trang thiết bị, bình quân cứ trồng 1 bịch phôi ông lãi được 2.500 đồng. Với quy mô hiện có, mức lợi nhuận này khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.

Ông Xuân đang kiểm tra nấm bào ngư
Ông Xuân cho biết trước đây do nguồn phôi nấm phải mua từ nhiều ngoài tỉnh nên chất lượng phôi nấm không ổn định, tỷ lệ bịch phôi nhiễm nấm mốc khá cao, gây thất thu đáng kể. Do đó, ông quyết định đầu tư xây dựng cơ sở tự sản xuất phôi nấm với đầy đủ trang thiết bị như máy đóng bịch, máy sàng, trộn nguyên liệu, lò hơi,… Tổng kinh phí đầu tư làm xưởng đóng bịch phôi khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài việc tự sản xuất phôi nấm cho các trại của gia đình, ông còn dự định mở rộng sản xuất để cung cấp phôi nấm cho bà con trồng nấm ở địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Xuân cho biết để trồng nấm bào ngư thành công thì quan trọng nhất là phải thiết kế được kiểu nhà trồng phù hợp với điều kiện khí hậu nơi mình sản xuất. Tất cả trại của ông đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về lưới ngăn côn trùng gây hại, luôn đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, độ thông thoáng cho nấm phát triển thích hợp nên năng suất nấm cao và ổn định ở mức 250 gram nấm trên mỗi bịch phôi. Ngoài ra, kỹ thuật tưới và điều chỉnh cho nấm ra đồng loạt cũng cần thực hiện kỹ lưỡng. Với kinh nghiệm của ông thì chỉ nên cho nấm ra ở miệng bịch và sau khi thu 3-4 đợt thì trồng lại đợt mới. Đồng thời, sau mỗi đợt trồng cần vệ sinh khử trùng trại thật kỹ trước khi trồng đợt mới.
Trong thực tế, để đạt được kết quả như ngày hôm nay ngoài nỗ lực sáng tạo của bản thân, những năm qua, ông Xuân luôn tích cực học hỏi, tìm hiểu thông tin về nghề trồng nấm qua việc tham dự các chuyến tham quan, hội thảo, diễn đàn để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất. Gần đây, vấn đề mà ông đang tập trung đầu tư là nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm nấm bằng cách đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản lạnh nấm bào ngư.
Với quy mô và quy trình sản xuất phôi nấm, nấm thương phẩm, sơ chế và bảo quản như trên, hệ thống sản xuất nấm của ông đã được Trung tâm QUATEST 3 Tp. Hồ Chí Minh cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2013.
Không dừng lại, hiện nay ông đang tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuât nấm bào ngư, đồng thời trồng thêm một số loại nấm khác như nấm linh chi, nấm mèo cũng như đầu tư trang thiết bị sản xuất meo giống nhằm chủ động tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao năng suất đạt hiệu quả ổn định, lâu dài./.
Nguyễn Thị Hạnh - TTKN Long An