Hộ bác Nguyễn Đình Hương trước đây cũng là một trong các hộ đó. Nhưng nghề nuôi cá gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai. Nhận thấy bèo tấm là một loài thực vật thủy sinh sống ở trên mặt nước, có tiềm năng rất lớn trong việc cung cấp protein và chất dinh dưỡng chất lượng cao cho cá và một số loài thủy sản nên từ năm 2015, bác Hương chuyển sang nghề nuôi bèo tấm bán cho các hộ nuôi nuôi trồng thủy sản khác.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác Hương cho biết: “Gia đình tôi có gần 1 mẫu ao, trước đây toàn bộ diện tích này nuôi cá. Từ những năm nuôi cá, tôi nhận thấy bèo tấm là loài thực vật, là thức ăn xanh rất quan trọng trong nuôi cá trắm cỏ, nhất là giai đoạn nuôi ương cá giống nên tôi đã chuyển sang làm nghề nuôi bèo tấm”.

 

Bèo tấm là cây một lá mầm có kích thước nhỏ nhưng tốc độ sinh trưởng nhanh nhất trong các loài thực vật có hoa. Bèo tấm rất thích hợp phát sinh phát triển trong điều kiện thời tiết ấm, ẩm.

 

Để bèo tấm sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao và cho thu hoạch quanh năm, bác Hương đã chia ao nuôi thành các ô nhỏ nhờ các các dây phao làm bằng vỏ chai nhựa đã qua sử dụng kết nối lại với nhau. Các dây phao này có tác dụng để ngăn cản bèo dồn vào góc và trồng đống lên nhau dễ gây thối chết khi gặp thời tiết mưa, gió to, đồng thời nó cũng tạo thuận lợi khi thu hoạch, dễ dàng kéo dồn bèo ở từng ô vào để vớt. Bác Hương cũng lắp hệ thống tưới phun, khi trời nắng hệ thống sẽ tự động tưới phun từ 9 giờ sáng đến khoảng 16 giờ hàng ngày nên bèo nuôi được quanh năm.

leftcenterrightdel
Ao nuôi bèo được chia thành các ô nhỏ nhờ các dây phao làm bằng vỏ chai nhựa đã qua sử dụng kết nối lại với nhau. 

 

Khi được hỏi về dinh dưỡng để nuôi bèo và thị trường tiêu thụ, bác Hương chia sẻ: “Nhà tôi nuôi bèo tấm để phục vụ các hộ nuôi ươm cá giống và nuôi ốc nhồi nên phải hoàn toàn sử dụng chất hữu cơ, không sử dụng dụng phân hoá học và các loại hóa chất. Bèo tấm cần rất ít dinh dưỡng, nhà tôi chỉ sử dụng phân gà để cung cấp dưỡng chất nuôi bèo. Mỗi năm cần thả 3 lần phân gà, mỗi lần 30 bao buộc kín và thả xuống ao, sau đó căn cứ vào mầu nước ao để điều chỉnh lượng phân, thông thường cứ khoảng 1 tuần lại rạch 2-3 bao phân ra để cho phân hòa tan vào trong nước ao làm dinh dưỡng nuôi bèo. Đồng thời, tôi luôn phải ngăn nước, tìm và nhặt bỏ các loại ốc hay cá tạp lẫn vào trong ao để tránh chúng đẻ trứng vào rễ bèo, theo bèo lẫn vào ao của các hộ nuôi”.

 

Về thị trường tiêu thụ, gia đình bác Hương đã bán quen nhiều năm rồi nên người dân trong thôn hay các xã trong huyện và các hộ giáp danh thuộc tỉnh Hải Dương có nhu cầu đều gọi điện trước, hôm sau đến tận nhà lấy, bác không phải đi bán ở đâu cả. Bèo thì hôm nào cũng thu hoạch, trung bình mỗi ngày thu hoạch từ 8-10 bao (tận dụng các bao đựng cám hoặc các bao đựng phân đạm). Với giá bán 50.000 đồng/bao, như vậy mỗi ngày bác thu về khoảng 400.000 – 500.000 đồng. Nhờ sự cẩn thận trong chăm sóc, tạo nguồn bèo có chất lượng tốt nên bác được các hộ nuôi trồng thủy sản tin tưởng, thị trường đầu ra cho cây bèo ổn định.

leftcenterrightdel
Bác Hương thu hoạch bèo tấm 

 

Theo anh Trần Đình Tập – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Tài: Mô hình nuôi bèo tấm làm thức ăn xanh trong nuôi trồng thủy sản của bác Hương là một trong những mô hình điển hình, tiên tiến của huyện. Đây là mô hình ươm nuôi bèo tấm sử dụng công nghệ cao để chống nắng và gió. Thông thường trong những ngày nắng nóng tháng 5, tháng 6 bèo bị vàng và sẽ tự chết, những ngày gió to bèo dạt vào chồng đống lên nhau cũng chết, nhưng mô hình nuôi bèo tấm của gia đình bác Hương đã khắc phục được những hạn chế đó nên có sản lượng quanh năm. Mô hình này đã được một số hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng nhưng do các hộ không đầu tư hệ thống tưới phun tự động và không chia ao bèo thành các ô nhỏ nên hiệu quả nuôi bèo đều không đạt yêu cầu.

 

Anh Tập cũng là người có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp nuôi ươm cá trắm cỏ giống nên anh cho biết đối với loài cá trắm cỏ giai đoạn từ cá hương đến bán giống sử dụng hoàn toàn bằng bèo tấm. Sau 1 tháng nuôi trọng lượng cá tăng lên gấp 10-13 lần. Bình quân 1 bao bèo tấm sẽ tăng trọng được 4 kg cá giống - đây là hiệu quả mà người nuôi cá nào cũng đều mong đợi. Còn đối với ốc nhồi, bèo tấm là thức ăn trong suốt quá trình nuôi, ốc nhồi sử dụng bèo tấm làm thức ăn ốc ít bị bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, ốc có kích cỡ to, đồng đều, mẫu mã đẹp, thịt ốc sạch, không có mùi hôi, thơm giòn và đậm vị.

 

Nuôi bèo tấm làm thức ăn xanh trong nuôi trồng thủy sản đây là mô hình đơn giản, dễ làm, đầu tư ít, hiệu quả cao.

Đỗ Thị Vui

Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao Bắc Ninh