Bưởi Đoan Hùng có từ bao giờ và trở thành đặc sản từ khi nào không ai biết, kể cả những bậc cao niên trong các xóm làng của Đoan Hùng cũng không biết được ai đã mang giống bưởi quí này về trồng trên quê hương mình. Mỗi người sinh ra và lớn lên ở đây đều có chung một cảm nhận là bưởi có từ lâu lắm rồi. Và từ lâu, trong khắp các vườn nhà của người dân Đoan Hùng đều trồng bưởi. Nhà trồng ít thì cũng dăm ba gốc lấy quả ăn, nhà trồng nhiều cũng phải đến vài ha để vừa ăn vừa bán.

 

Theo lời kể của người dân Đoan Hùng thì bưởi Đoan Hùng cũng gần giống với bưởi quê thông thường nhưng do bưởi hợp đất và chỉ có đất ở Đoan Hùng thì bưởi mới sinh trưởng tốt và cho quả ngọt. Các địa phương xung quanh đó như Yên Bái, Hạ Hòa, Phù Ninh chỉ cách Đoan Hùng có gần chục cây số, người dân xin giống về trồng nhưng đất lạ, bưởi chậm phát triển hoặc nếu cho quả thì quả nhỏ và chua. Thế nên, người dân Đoan Hùng vẫn tự hào rằng đất lành cho quả ngọt từ bao đời nay. Mà đúng thế thật, chỉ có bưởi được trồng trên mảnh đất Đoan Hùng mới thật sự là bưởi đặc sản.

 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp mà tiêu biểu là chiến thắng sông Lô năm 1947 diễn ra trên dọc tuyến sông Lô Đoan Hùng- Tuyên Quang, khi ấy để chặn đường tiến quân của kẻ thù, người dân hai bên bờ sông Lô của Đoan Hùng đã hợp sức cùng với bộ đội chủ lực cản bước tiến của thực dân trên sông. Người dân đã dùng hàng ngàn trái bưởi trồng hai bên bãi bồi ven sông thả xuống dòng sông Lô theo từng hàng. Nhìn từ xa, tàu Pháp ngỡ những hàng quả bưởi trôi trên sông là những ngư lôi của quân ta nên chúng khiếp sợ và rút lui nhanh chóng. Câu chuyện bưởi tham gia vào trận chiến sông Lô đến nay vẫn được các bậc cao niên trong làng kể lại cho con cháu nghe. Được nghe, người dân thêm niềm tự hào về giống bưởi quý quê mình.

 

Cây và quả bưởi Đoan Hùng không bóng bẩy như nhiều giống bưởi khác mà nó mộc mạc, chân chất như con người miền quê trung du vậy. Cây bưởi Đoan Hùng không cao to như giống bưởi thường mà thấp là là mặt đất, người cao có thể với tay hái quả được. Vỏ quả không nhẵn bóng mà vàng ươm một màu. Đó là cái màu vàng tươi ánh lên ấm áp từ những tán lá màu xanh. Quả bưởi không quá to mà chỉ nhỉnh hơn bát con một chút. Khi bổ trái bưởi, chưa đưa ngập lưỡi dao người ta đã thấy lõi bưởi rồi vì vỏ bưởi mỏng, cùi bưởi không dày như nhiều giống bưởi quê khác. Bên trong lõi, múi bưởi đều chằn chặn, dài tựa như lược chải đầu, cong cong khum khum. Tôm bưởi căng mọng 10 tôm như mười nhưng không nhão như giống bưởi khác. Bưởi Đoan Hùng ăn ngọt, cái vị ngọt không quá ngắt mà ngọt thanh, ngọt mát. Từ lâu, bưởi Đoan Hùng đã trở thành một món quà quê không thể thiếu ở miền quê trung du này. Trong mâm cỗ quê, vẫn có sự hiện diện của đĩa bưởi đặc sản làm cho mâm cỗ thêm ấm áp tình quê. Người đi xa luôn có trong ba lô hay xách trên tay dăm ba quả bưởi quê đi làm quà, người qua đường có mấy ai là không dừng lại mua vài ba quả bưởi đặc sản về làm quà. Bưởi Đoan Hùng còn là vị thuốc cho người mới ốm dậy. Bị ốm lâu ngày, sau khi uống những thang thuốc đắng, người ốm cầm múi bưởi đưa lên miệng mà như được xua tan đi bao mệt nhọc và thấy mình như khỏe lên bội phần. Cụ Nguyễn Thị Ba ở xã Chí Đám năm nay đã gần 80 tuổi cho chúng tôi biết: “ Chúng tôi tự hào lắm vì giống bưởi quý này đã gắn bó với người dân ở đây bao đời nay. Bưởi này chỉ ở đây mới có”.

 

Bưởi Đoan Hùng hôm nay đã được gắn thương hiệu đặc sản. Sở dĩ như vậy vì trong những năm gần đây, vì lợi ích trước mắt mà một số lái buôn và người dân đã lợi dụng danh tiếng của bưởi đặc sản để nhập nhèm chà trộn giống bưởi thường để bán cho khách hòng kiếm lời. Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiếng tăm của bưởi Đoan Hùng đối với du khách. Ngày 8/2/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân của Đoan Hùng. Tên gọi xuất xứ hàng hóa bưởi Đoan Hùng là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam kể từ ngày đó. UBND tỉnh Phú Thọ là cơ quan quản lý tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ có tổ chức, cá nhân nào được UBND tỉnh Phú Thọ cho phép mới được sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa đó cho sản phẩm bưởi quả. Sở KHCN cũng đã đăng ký tem nhãn và lôgô với Cục Sở hữu trí tuệ để được sử dụng độc quyền trên thị trường cho sản phẩm bưởi Đoan Hùng. Như thế, giống bưởi đặc sản đã khoác trên mình “tấm áo” mới của thương hiệu “Bưởi Đoan Hùng- Hương vị đất Tổ”.

 

Những năm gần đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt quy hoạch với hàng ngàn ha giống bưởi đặc sản ở các địa phương của huyện Đoan Hùng. Các vùng quê nổi tiếng về bưởi như bưởi Sửu ở xã Chí Đám, bưởi Bằng Luân, bưởi Khả Lĩnh, bưởi Yên Kiện…Điều đặc biệt là ở mỗi vùng đất, bưởi có những đặc điểm riêng rất dễ nhận ra. Ví như, bưởi Bằng Luân có vỏ màu vàng hơi nâu, mùi thơm đặc trưng vị ngọt đậm không he đắng. Bưởi Sửu có vỏ màu vàng xanh, mùi thơm mạnh đặc trưng, vị ngọt thanh không he đắng. Thời gian gần đây, người dân còn thành lập hợp tác xã kinh doanh bưởi để nhằm bảo vệ thương hiệu đặc sản bưởi Đoan Hùng không chỉ ở địa phương mình mà còn trong phạm vi cả nước.

 

Bưởi Đoan Hùng hôm nay đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân quê. Những tháng cuối năm, bưởi cho thu hoạch. Loại bưởi thường bán tại vườn hay cho khách đi đường với giá từ 20-30 ngàn đồng/quả. Còn loại bưởi Sửu ở Chí Đám bán vào dịp giáp tết với giá từ 60-70 ngàn đồng/quả. Như thế, trồng bưởi, kinh doan bưởi vừa là quảng bá sản phẩm quê nhà, vừa là hướng làm kinh tế của nhiều hộ dân ở Đoan Hùng. Có gia đình nhờ trồng và phát triển bưởi đặc sản đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Tấp nập mùa thu hoạch bưởi Đoan Hùng

 

Bưởi Đoan Hùng ngọt lành, lòng người dân đất bưởi thảo thơm. Đến với Đoan Hùng, vào các làng trong xã, hỏi thăm địa chỉ khu trồng bưởi, ai ai cũng niềm nở giới thiệu về bưởi đặc sản quê mình, nói tường tận về địa chỉ và giá cả hiện nay. Khi đến vườn bưởi, chủ nhà không tiếc bổ một đôi quả bày ra đĩa mời khách thưởng thức xong, nếu hài lòng mua vẫn chưa muộn. Người dân các xã vùng ven sông Lô hôm nay đang một lòng vun trồng và bảo vệ thương hiệu giống bưởi đặc sản. Ai cũng mong muốn thương hiệu bưởi quê mình được gìn giữ và lan xa.

 

Những ngày giáp tết, về Đoan Hùng, dọc hai bên quốc lộ 70 và quốc lộ 2, nhiều sập hàng của người dân bày bán bưởi đặc sản. Những trái bưởi quê vàng óng, thơm nức càng dậy lên không khí tết và mùa xuân sắp về. Du khách dừng lại thưởng thức ngay tại quầy hàng, nghe kể về bưởi đặc sản và mua bưởi về dùng trong dịp tết. Bưởi Đoan Hùng có thể để được lâu ngày mà không bị hỏng. Vỏ ngoài có thể bị dám và héo nhưng bên trong múi và tôm vẫn căng mọng.

 

Chia tay đất bưởi trong cái lất phất mưa của những ngày giá rét chúng tôi như lắng nghe được vị ngọt lành của bưởi đặc sản Đoan Hùng ngưng đọng nơi đầu lưỡi, nơi tâm hồn mình, cảm nhận được tấm lòng thảo thơm của người dân đất bưởi từ bao đời nay nặng lòng vun trồng cho những mùa quả bội thu. Hương vị bưởi và lòng người níu giữ những ai từng đặt chân lên miền quê trung du thanh bình này để rồi khi rời xa, mỗi người sẽ chắp cánh thêm cho thương hiệu bưởi Đoan Hùng vang tới những miền xa.

 

Nguyễn Thế Lượng -  Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ