Dự án thực hiện trong 2 năm (từ tháng 4/2020 - 4/2022) tại các huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ngân Sơn với các mục tiêu cụ thể: (1) Điều tra, khảo sát, lựa chọn vịt bầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với số lượng 132 con cái, 22 con đực đạt tiêu chuẩn khai thác trứng để ấp tạo đàn bố mẹ mới; (2) Xây dựng 1 mô hình nuôi vịt bố mẹ sinh sản; (3) Xây dựng 1 mô hình chăn nuôi vịt bầu thương phẩm với quy mô 24.000 con với 12 - 15 tổ hợp tác tham gia thực hiện dự án; (4) Tập huấn 5 lớp kỹ thuật chăn nuôi vịt cho 150 hộ nuôi vịt; (5) Xây dựng 1 mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiêu thụ 38 tấn sản phẩm/năm trở lên; (6) Xây dựng 1 dây chuyền giết mổ quy mô 200 con/ngày.
Sau gần 2 năm nghiên cứu, thực hiện dự án, kết quả thu được là cơ sở đánh giá về giống vịt bầu và có kế hoạch chọn lọc, nhân giống, bảo tồn nguồn gen quý hiếm để phát huy tiềm năng của giống vịt đặc sản địa phương. Các sản phẩm khoa học thu được là Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nuôi, tuyển chọn được 900 con mái và 150 con đực tạo đàn vịt giống bố mẹ. Hàng năm sản xuất được 50.000 con giống cấp cho dự án và thị trường; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi vịt bầu thương phẩm.
Dự án góp phần bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống vịt bản địa
Tiếp đó, để chuyển giao phương thức chăn nuôi vịt bầu cho các hộ nông dân, nhằm thúc đẩy kinh tế hộ, khôi phục và duy trì, bảo tồn, phát triển giống vịt địa phương, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình chăn nuôi vịt bầu thương phẩm tại xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới; xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông; xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn; xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, quy mô 1.200 con với 12 hộ tham gia (mỗi hộ nuôi 100 con). Thông qua mô hình giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi vịt bầu, áp dụng phương thức chăn nuôi có hiệu quả, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, nhằm chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi, thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, mở rộng quy mô phát triển sản xuất chăn nuôi thủy cầm theo hướng hàng hóa và bền vững.
Mô hình chăn nuôi vịt bầu bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, đổi mới được cách nghĩ, cách làm trong chăn nuôi của bà con nông dân từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung, quy mô, có đầu tư về kinh tế, kỹ thuật, chăn nuôi mang tính chất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ thành công của mô hình, thời gian tới các địa phương sẽ tuyên truyền cho bà con đưa giống vịt bầu vào chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen tốt của giống vịt bầu bản địa./.
|
Theo khảo sát, giống vịt bầu cổ xanh được coi là giống vịt bản địa của Bắc Kạn. Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, vịt bầu được nuôi theo hình thức bán chăn thả trên các con sông, khe suối; thức ăn chủ yếu là các loại rau xanh, ngô, khoai, sắn… nên vịt bầu thường có mẫu mã đẹp, bắt mắt, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với cách nuôi tự phát, nhỏ lẻ, cùng với các nguyên nhân khác, đàn vịt bầu tại Bắc Kạn có xu hướng giảm dần về số lượng, có nguy cơ không còn giữ được nguồn giống thuần chủng. |
|
Ma Thế Sơn
Công ty TNHH Vietnam Misaki, Bắc Kạn