Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp với UBND xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức hội thảo mô hình quy mô vùng tập trung 8 ha, giống OM18, sạ bằng bình phun 100 kg/ha, cơ giới hoá phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái (drone). Đối chứng cùng giống OM18, gieo sạ lan truyền thống 250 kg/ha.

 

Kết quả, năng suất mô hình đạt 65 tạ/ha, tăng hơn đối chứng 14 tạ/ha; hạt lúa mô hình màu vàng sáng đặc trưng, mẩy hạt nên giá mua cao hơn 200 đồng/kg; cho doanh thu gần 47 triệu đồng/ha; lợi nhuận cao hơn đối chứng 12 triệu đồng/ha.

 

Theo đánh giá hộ dân tại hội thảo, nhờ sạ thưa 100 kg/ha giúp giảm 60% chi phí giống, kết hợp giảm 35-40 % phân bón, giảm công phun thuốc, bình quân 2 lần/vụ và giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật nên cho lợi nhuận cao hơn nhiều.

  

Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, cho biết, vụ đông xuân 2024-2025 Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại xã Hồng Sơn để giúp nông dân “quen tay, quen tính” với sạ thưa dưới 120 kg/ha, đồng thời áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa bằng máy sạ cụm/bình phun hoặc máy bay không lái. Ngoài ra, Trung tâm hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo hướng tới giảm phát thải carbon thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết tiêu thụ sản phẩm và tín chỉ carbon. Đặc biệt, sẽ giúp nông dân làm quen với việc ghi chép nhật ký đồng ruộng bằng nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc.

 

Cũng tại hội thảo, ông Sơn đề nghị Hội Nông dân; phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Bắc có kế hoạch duy trì và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lúa sạ thưa, bón phân hữu cơ giảm lượng phân hóa học, đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất tại các vùng trọng điểm lúa của địa phương hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

leftcenterrightdel
Mô hình áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa  

Hồ Công Bình

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận