Năm 2024, từ nguồn kinh phí Dự án khuyến nông trung ương, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất cải bắp đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 06 ha cho 12 hộ tham gia.

 

Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 70% về giống và vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại, đồng thời được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển từng giai đoạn, hỗ trợ biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả. Ngoài ra, các hộ còn được đơn vị tư vấn và chứng nhận VietGAP; tập huấn, hướng dẫn và lấy mẫu đất, nước và sản phẩm để chứng nhận VietGAP.

 

Mô hình sau 3 tháng trồng đã cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha và giá được công ty kí hợp đồng thu mua loại 1 là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mang về lợi nhuận 130 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình có năng suất tăng 16,7% nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn 60% so với sản xuất đại trà tại cùng thời điểm, đặc biệt khi vụ cải bắp vừa qua, đối với những người sản xuất ngoài mô hình giá xuống chỉ còn 2.000 – 4.000 đồng/kg và có khi không có người thu mua.

 

Như vậy, mô hình thành công đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra mô hình còn có những tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Cụ thể, việc áp dụng sản xuất theo VietGAP đã giúp người sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của người tiêu dùng. Không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái với việc quản lý tốt vườn cây, giảm sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, giúp cho môi trường sinh thái cân bằng. Mô hình không chỉ quan tâm đến năng suất mà hướng người sản xuất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, sản xuất có trách nhiệm và thân thiện bền vững với môi trường.

leftcenterrightdel
Sản phẩm mô hình được công ty thu mua tại vườn 

 

Không đơn thuần chỉ sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP mà mô hình đã giúp nông dân kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, kí kết hợp đồng để nông dân yên tâm sản xuất. Nhờ đó mà hiệu quả kinh tế được đảm bảo, thu nhập của người dân ổn định và duy trì phát triển vùng sản xuất rau của địa phương.   

 

Bà Vũ Thị Thu Đào – chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hạnh cho biết: Năm này trên địa bàn xã nhiều hộ trồng cải bắp bị mất trắng do giá quá thấp thương lái không thu mua. Nhiều hộ chỉ biết nhìn thành quả của mình sau bao tháng chăm sóc cứ thế mà bỏ đi không làm được gì. Nhưng các hộ tham gia mô hình do Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh thực hiện thì lại có hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Qua đó cho thấy được nhiều lợi ích của việc liên kết bao tiêu sản phẩm mang lại. Mô hình được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao, hy vọng doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành với nông dân để các hộ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình.

Nguyễn Thị Thắm

Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông