Bằng nguồn kinh phí khuyến nông của tỉnh năm 2019 – 2020 Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng vật nuôi phối hợp với Trung tâm dịch vụ NN huyện Điện Biên Đông đầu tư triển khai mô hình trồng cây lê vàng với quy mô 2 ha tại xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông.

Sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay cây lê đã cho quả. Qua đánh giá cây lê sinh trưởng phát triển tốt, mẫu mã quả đẹp, chất lượng quả ngon ngọt, có vị thơm đặc trưng, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của xã.

Lê vàng là một trong những cây ăn quả đặc sản của vùng ôn đới nước ta và được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung ở những nơi có độ cao 500 – 1500m so với mực nước biển. Để phát huy tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu thổ nhưỡng cũng như nhu cầu của người dân trong xã muốn mở rộng diện tích trong các năm tiếp theo, hiện tại chính quyền địa phương cũng như các phòng ban của huyện đã và đang tập trung phát triển mở rộng diện tích cây lê, đồng thời chú trọng vấn đề liên kết, bao tiêu sản phẩm theo hướng bền vững.

Chị Giàng Thị Chía, bản Háng Lìa, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông là một gia đình tiêu biểu tiên phong tham gia mô hình trồng cây lê vàng. Chị cho biết: “Gia đình tôi được lựa chọn tham gia mô hình, với diện tích khoảng 2000m2, được nhà nước hỗ trợ 100% giống, vật tư phân bón và thuốc BVTV, được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lê vàng. Trong quá trình thực hiện mô hình, tôi và các hộ tham gia thường xuyên trao đổi với cán bộ kỹ thuật phụ trách để kịp thời nắm bắt tình hình sinh trưởng và phát triển của cây, đồng thời cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm về kiến thức khoa học kĩ thuật để chăm sóc cây lê vàng. Đến nay cây lê đã cho thu quả năm thứ 2, gia đình có một nguồn thu ổn định. Sản phẩm quả được các thương lái thu mua tại vườn. Hiện tại trung bình mỗi cây cho thu từ 10-15 kg/cây, giá bán 20.000 đồng/kg. Tổng thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha và thu nhập sẽ tăng cao trong các năm tiếp theo.”

Trao đổi với lãnh đạo địa phương, ông Vàng A Nếnh - Phó chủ tịch UBND xã Háng Lìa cho biết: Trước đây một số hộ dân ở xã Háng Lìa đã trồng thử 1 số cây lê vàng và sau khoảng 4 năm cho quả, chất lượng quả rất ngon, có vị thơm. Tuy nhiên bà con nơi đây còn chưa nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc, kỹ thuật cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh. Do vậy chưa đạt được hết tiềm năng, năng suất của giống. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và Trung tâm Khuyến nông – giống cây trồng vật nuôi tỉnh Điện Biên, các phòng ban chuyên môn của huyện xây dựng mô hình trồng cây lê vàng tại địa bàn xã Háng Lìa. Qua các cuộc hội thảo, tổng kết đánh giá mô hình đã giúp các hộ nắm vững được các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo tán…

Ông Nguyễn Trọng Huế - trưởng phòng nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết, cây lê vàng là loại cây ăn quả dễ trồng, dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tới bà con nông dân xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông, với quy mô 02 ha, có 15 hộ tham gia mô hình. Đến nay, sau 5 năm thực hiện vườn lê vàng của các hộ đang phát triển rất tốt, bước đầu mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10-15 kg quả/cây, mẫu mã quả đẹp, sáng bóng, chất lượng ngon ngọt.

Được biết, trong lĩnh vực trồng trọt, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đang được chính quyền địa phương, ngành chuyên môn tại Điện Biên Đông chú trọng xây dựng, đồng thời đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng năm 2023, địa phương đã triển khai 3 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bí xanh Tìa Dình với quy mô liên kết 15 ha; nếp tan Luân Giới quy mô gần 50ha/vụ/năm và mắc ca tại xã Pu Nhi, quy mô 15ha. Qua đó, người dân ngày càng được hướng dẫn hoàn thiện hơn về quy trình sản xuất; đồng thời tạo đầu ra bền vững và ổn định cho các sản phẩm địa phương.

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Điện Biên Đông đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng phát triển ổn định và tăng qua các năm; cơ cấu đàn vật nuôi được chuyển dịch theo hướng tăng đàn, tăng loài và dần trở thành hàng hóa. Các vùng chuyên canh về lúa gạo, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc được hình thành. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng mang lại diện mạo mới cho sản phẩm về cả chất lượng, hình thức và số lượng với 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn sấy khô. Huyện cũng tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, đặc biệt là theo hướng sản xuất hàng hóa. Đối với lĩnh vực trồng trọt là tập trung phát triển cây trồng theo lợi thế của địa phương như: giống lúa nếp tan, nếp 86, nếp 87, các giống cây trồng mới, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của huyện. Huyện cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là trong các kỳ lễ hội.

Huyện Điện Biên Đông đang quy hoạch phấn đấu đến năm 2030 phát triển được 29 sản phẩm, trong đó lựa chọn và đầu tư 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường; mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2024, thực hiện các chương trình mục tiêu của các xã trên địa bàn, cây lê vàng được xem là cây chủ lực trên địa bàn xã Háng Lìa và tiếp tục mở rộng diện tích quy mô trên địa bàn xã Háng Lìa từng bước giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế từng bước giúp bà con ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông - giống cây trồng vật nuôi Điện Biên