Trong khuôn khổ “Dự án Phát triển nông thôn khu vực Tây Bắc giai đoạn 2010 – 2015” cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Bokashi cho hơn 1.000 nông dân thuộc các xã trên địa bàn huyện Điện Biên. Đây là loại phân có ưu điểm tăng khả năng phát triển, tạo sức đề kháng với sâu bệnh cho các loại cây trồng ngay từ khi còn nhỏ mà không cần phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Với chi phí sản xuất thấp, nguyên liệu chế biến sẵn có từ các phụ phẩm nông nghiệp, thân thiện với môi trường.

Bokashi trong tiếng Nhật có nghĩa là “quá trình làm lên men”. Quy trình ủ phân sẽ được tiến hành như sau: hỗn hợp cám gạo trộn với men rượu, ủ từ 2-3 ngày sẽ được đem ra trộn với vỏ trấu đã được đốt cháy (lưu ý đốt còn nguyên hình vỏ trấu), sau đó trộn lẫn với phân chuồng, mùn cưa rồi phủ bạt, ủ trong khoảng thời gian 1 tháng là có thể sử dụng để bón cho cây trồng. Trong quá trình ủ phân, cứ khoảng 3-4 ngày phải đảo lại hỗn hợp 1 lần để đảm bảo cho quá trình lên men có đủ không khí. Phân thành phẩm phải có độ tơi xốp, màu nâu đậm, không mùi hôi (hoặc còn thoảng mùi thơm của men rượu) là đạt chất lượng.

Học viên thực hành các công đoạn đốt trấu phối trộn nguyên liệu và ủ tạo ra phân hữu cơ Bokashi

Anh Phạm Tiến Thành, thành viên Ban quản lý dự án Jica cho biết: Sau khi tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các hộ nông dân tiếp thu những kiến thức cơ bản và tiến hành làm thử nghiệm và nhiều hộ có diện tích canh tác lớn đã duy trì để thay thế các loại phân bón hóa học khác, phục vụ sản xuất. Qua khảo sát, sử dụng phân Bokashi vào sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giảm chi phí từ 75 – 80%, đặc biệt là những hộ có diện tích canh tác lớn. Một vấn đề quan trọng được địa phương đánh giá cao đó là chuyển biến về ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chuyển sang các loại phân bón vi sinh thân thiện với môi trường. Sau quá trình tập huấn của dự án, tại huyện Điện Biên, từ khi áp dụng Bokashi, người nông dân đã giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 6 - 7 lần xuống còn 3 - 4 lần. Với nhiều ưu điểm như vậy nên nhiều hộ gia đình vẫn duy trì sử dụng phân Bokashi cho tất cả các loại cây trồng như: lúa, ngô, rau màu...

Chị Đào Thị Luyện, xã Noong, huyện Điện Biên đã tham gia tập huấn và áp dụng thử nghiệm phân bón Bokashi cho biết: gia đình đã áp dụng 4 sào rau cải bắp, việc sử dụng phân hữu cơ Bokashi không chỉ giúp gia đình chị tiết kiệm được chi phí mà còn giúp cây sinh trưởng tốt và có sức đề kháng với sâu bệnh ngay từ nhỏ mà không cần phải sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật. chính vì thế nên vào vụ thu hoạch, sẽ không phải chờ cho nông sản có thời gian giảm bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như trước mà có thể thu hoạch bất cứ thời gian nào thích hợp. Cây rau được bón phân Bokashi sinh trưởng tốt, lá to, mỏng và mềm, ăn ngọt, dễ bán và bán được giá cao hơn so với rau trồng bằng phân hóa học.

Tham quan mô hình trồng bắp cải bằng phân hữu cơ Bokashi tại xã Noong Hẹt huyện Điện Biên

Với những ưu điểm nổi bật của loại phân này được minh chứng qua nghiên cứu và áp dụng thực tế tại huyện Điện Biên, phân bón hữu cơ vi sinh Bokashi hứa hẹn sẽ là phương án hữu hiệu giúp người dân giảm bớt các khoản chi phí trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp không chỉ phát triển mà còn “sạch”.

Nguyễn Chung