Hàm Cần là xã miền núi thuộc huyện Hàm Thuận Nam có khí hậu khắc nghiệt, mang nét đặc trưng của khí hậu bán khô hạn của vùng cực Nam Trung Bộ, nhiều nắng, nhiều gió, nhiều năm thiếu nước sinh hoạt và canh tác nông nghiệp trầm trọng. Đa phần đời sống người dân xã Hàm Cần còn nhiều khó khăn.

 

Nhằm giúp cho các cán bộ nông nghiệp, cộng tác viên khuyến nông và bà con nông dân xã Hàm Cần nâng cao nhận thức về thiên tai và năng lực ứng phó thiên tai; tiếp cận với các giải pháp kỹ thuật trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi cừu nói riêng giúp thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; nằm trong khuôn khổ Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện mô hình tại đây.

 

Mô hình có quy mô 77 con cừu lai Dorper (70 cừu cái và 7 cừu đực). 07 hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ tối đa 70% chi phí về giống cừu, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình như thức ăn hỗn hợp, tảng đá liếm, vắc-xin (08 liều/con, bao gồm 04 loại: tụ huyết trùng, viêm ruột hoại tử, lở mồm long móng, đậu).

leftcenterrightdel
Bàn giao giống cừu cho các hộ tham gia mô hình tại xã Hàm Cần

 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan, tổng kết, thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến kết quả và nhân rộng mô hình. Mô hình đã chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi cừu, nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai và các hộ nắm được kiến thức đã học để áp dụng các giải pháp kỹ thuật triển khai mô hình chăn nuôi cừu thích ứng với hạn hán, nắng nóng đạt hiệu quả.

 

Ngày 12 tháng 12 năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận tổ chức hội nghị tổng kết mô hình. Tham dự hội nghị có các đồng chí đại diện Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, Trung tâm Kỹ thuật và DVNN Hàm Thuận Nam, cán bộ khuyến nông, cán bộ xã Hàm Cần và hơn 50 đại biểu là những hộ tham gia mô hình và ngoài mô hình tại xã Hàm Cần.

leftcenterrightdel
Hội nghị tổng kết mô hình 

 

Kết quả bước đầu cho thấy mô hình có triển vọng và hiệu quả, đã lựa chọn được giống cừu phù hợp, thích ứng tốt với thời tiết hạn hán, nắng nóng tại khu vực Nam Trung Bộ, với tỷ lệ sống của cừu đạt 100%, con đực có trọng lượng trung bình 30 kg/con, con cái có trọng lượng trung bình 18,5kg/con, 70/70 cừu cái có chửa - đạt 100 % chỉ tiêu mô hình. Mô hình cũng nhân rộng được 2 hộ/12 con cừu, đạt tỷ lệ nhân rộng 15,5%. Cán bộ kỹ thuật tiếp tục theo dõi số con đẻ ra, khối lượng cừu lai sơ sinh và đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật hướng dẫn các hộ chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ, trồng ngô sinh khối để cung cấp nguồn thức ăn xanh cho gia súc, biết dự trữ, bảo quản chế biến làm thức ăn cho cừu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong chăn nuôi cừu, quản lý được dịch bệnh, giảm ảnh hưởng của thiên tai, góp phần phát triển sinh kế cho người dân vùng hạn hán nắng nóng. Tuy nhiên, mô hình mới theo dõi trong thời gian ngắn nên cần được tiếp tục theo dõi trong năm 2025 về các chỉ tiêu như: khối lượng sơ sinh, tỷ lệ nuôi sống và đánh giá hiệu quả kinh tế của tổng thể đàn cừu.

 

Thông qua mô hình chăn nuôi cừu theo hướng an toàn sinh học, xử lý chất thải từ chăn nuôi cừu, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm thiểu khí phát thải nhà kính. Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân rộng mô hình và tăng quy mô trong chăn nuôi cừu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận./.

Quỳnh Trâm