Mô hình được thực hiện tại ba điểm là xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng), xã Triệu Cơ (huyện Triệu Phong) và xã Gio Hải (huyện Gio Linh), mỗi điểm nuôi 1.000 con vịt giống Grimaud – một giống vịt chuyên thịt được lai tạo và phát triển bởi Tập đoàn Grimaud của Pháp. Điểm nổi bật của giống vịt này là khả năng sinh trưởng vượt trội, thời gian nuôi ngắn (chỉ khoảng 45 ngày), tỷ lệ thịt cao, mẫu mã đồng đều và đặc biệt thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam. Sau 1,5 tháng nuôi, đàn vịt tại các điểm đều đạt trọng lượng bình quân trên 3,2kg/con với tỷ lệ sống lên tới 95,7%. Với giá bán tại chuồng ổn định khoảng 42.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi điểm nuôi mang lại lợi nhuận khoảng từ 18,7 đến 19 triệu đồng, cao hơn gấp 1,5 lần so với phương pháp nuôi truyền thống cùng quy mô.
Không giống như phương thức nuôi thả đồng hoặc kết hợp với ao hồ vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường, mô hình mới này áp dụng kỹ thuật chuồng trại tiên tiến, nuôi vịt trên sàn lưới hoặc sàn nhựa composite cao hơn nền chuồng từ 40–50cm. Sàn có khe hở từ 1–1,5cm cho phép phân vịt rơi xuống nền bên dưới được láng xi măng và có độ nghiêng để dễ dàng thu gom và xử lý chất thải. Cấu trúc này giúp duy trì môi trường chuồng nuôi khô ráo, thông thoáng, sạch sẽ, giảm thiểu mùi hôi thối và hạn chế phát sinh dịch bệnh do tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất ẩm hoặc nước ao hồ. Từ đó, người chăn nuôi tiết kiệm đáng kể chi phí thuốc thú y, công chăm sóc và thời gian vệ sinh chuồng trại.
    |
 |
Mô hình mới nuôi vịt trên sàn lưới hoặc sàn nhựa composite cao hơn nền chuồng từ 40 - 50 cm |
Anh Trần Thế Anh – một trong những hộ tham gia mô hình tại xã Triệu Cơ chia sẻ: “Trước đây tôi nuôi thả đồng, dù có dọn dẹp chuồng trại thường xuyên nhưng không thể kiểm soát dịch bệnh. Vịt thường xuyên bị bệnh, tỷ lệ hao hụt cao do lây nhiễm chéo trong đàn. Khi áp dụng mô hình mới, tôi thấy rõ sự khác biệt: môi trường chăn nuôi sạch sẽ, vịt nhanh lớn, tỉ lệ sống cao, việc quản lý đàn vịt đơn giản hơn rất nhiều.”
Không chỉ tạo hiệu quả tức thời trong từng lứa nuôi, mô hình còn hỗ trợ người dân xây dựng quy trình sản xuất bài bản, có thể xoay vòng nuôi nhanh chóng. Với khả năng tái đàn sau mỗi 15 ngày tổng vệ sinh chuồng trại, người chăn nuôi có thể thực hiện tới 4–5 lứa/năm, tăng năng suất chăn nuôi mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đầu ra.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị – ông Nguyễn Phú Quốc – cho rằng: "Mô hình nuôi vịt trên sàn an toàn sinh học không chỉ giúp người chăn nuôi tăng hiệu quả sản xuất mà còn góp phần thay đổi tư duy, từng bước đưa ngành chăn nuôi từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, có kỹ thuật và liên kết tiêu thụ bài bản." Ông cũng nhấn mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chuồng trại và giống vật nuôi giúp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh từ môi trường tự nhiên, đồng thời thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Một điểm đáng ghi nhận của mô hình là cơ chế hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua ký kết hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp. Việc này đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp giá bán ổn định, tạo sự an tâm cho người chăn nuôi khi tham gia sản xuất. Theo đánh giá từ Trạm Khuyến nông Triệu Phong – Đông Hà, sản phẩm vịt Grimaud nuôi theo mô hình này đều đạt tiêu chuẩn thu mua từ thương lái, mẫu mã đẹp, tỷ lệ thịt cao và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhân rộng mô hình này đến các địa phương khác, đồng thời mở rộng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và đầu tư cơ sở vật chất để giúp người dân tiếp cận và áp dụng hiệu quả mô hình.
Từ thành công bước đầu, có thể khẳng định mô hình nuôi vịt thịt giống Grimaud trên sàn an toàn sinh học là một mô hình tiêu biểu, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hiệu quả và bền vững tại Quảng Trị. Việc ứng dụng mô hình không chỉ giúp tăng lợi nhuận cho người dân mà còn đóng góp quan trọng trong bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, xây dựng chuỗi giá trị nông sản vững chắc và nâng cao vị thế sản phẩm chăn nuôi của địa phương trên thị trường.
Lan Anh – Khắc Mạnh
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị