Phú Thọ: Xây dựng mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Cập nhật lúc 14:33, Thứ tư, 26/03/2025 (GMT+7)
Nghề nuôi ong mật tại Phú Thọ đã và đang chứng tỏ sức mạnh của nó trong việc thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp.
Với nhiều ưu điểm, như không yêu cầu sử dụng đất trồng cây làm thức ăn, nghề nuôi ong phù hợp với nhiều đối tượng lao động và không tốn nhiều sức khỏe. Ong góp phần tích cực vào việc trồng cây gây rừng, tăng cường bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Sản phẩm từ ong mật, bao gồm mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, keo ong và sáp ong, không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn được ứng dụng trong thực phẩm, thuốc cổ truyền và mỹ phẩm. Hơn nữa, ong mật còn là tác nhân thụ phấn hiệu quả cho cây trồng, thúc đẩy năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ sự đa dạng sinh học trong khu vực. Tuy nhiên, nghề nuôi ong tại Phú Thọ cũng gặp nhiều thách thức. Trình độ kỹ thuật trong chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn ong chưa cao, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Việc duy trì giống ong và đối phó với biến động thời tiết, dịch bệnh là những vấn đề cần được giải quyết.
Để hỗ trợ người dân khắc phục những khó khăn này, dự án "Xây dựng mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" được triển khai từ năm 2024, với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí Khuyến nông Quốc Gia. Dự án không chỉ nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi ong mà còn giúp cải thiện đời sống vật chất và tạo ra thu nhập ổn định cho người dân. Dự án hỗ trợ 7 hộ dân thuộc xã Ấm Hạ và xã Gia Điền, cung cấp tổng cộng 350 đàn ong. Sự hỗ trợ này không chỉ là một biện pháp giúp nâng cao thu nhập mà còn là bước đi quan trọng trong việc phát triển nghề nuôi ong mật một cách bền vững tại địa phương.
    |
 |
Tham quan mô hình nuôi ong mật tại xã Ấm Hạ và xã Gia Điền |
Kết quả của mô hình đã cho thấy những thành công bước đầu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mật ong. Những hộ tham gia được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong và sản xuất mật ong đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Nhờ tuân thủ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn ong phát triển tốt. Các hộ dân được hoạt động sản theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm và được ký bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ong trong dự án tăng 16,5% so với mô hình nuôi ong truyền thống tại địa phương. Mô hình đã chuyển giao các tiến bộ khoa học phát triển nghề nuôi ong và chế biến sản phẩm mật ong, góp phần hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa, mang lại lợi ích về kinh tế xã hội, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Nuôi ong mật giúp bà con nông dân có nguồn thu ổn định từ mật ong, sáp ong và các sản phẩm phụ khác như phấn hoa. Ong mật đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn cho cây trồng. Sự thụ phấn của ong mật giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thông qua các hoạt động dự án đã làm thay đổi nhận thức của người nuôi ong mật trong việc áp dụng kỹ thuật như công tác chọn giống, địa điểm nuôi, kỹ thuật nuôi dưỡng và khai thác sản phẩm trong nghề nuôi ong mật tại địa phương. Nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ phát triển bền vững ngành nuôi ong mật. Qua đó, không chỉ phát triển kinh tế mà còn tạo ra một môi trường sống tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.
Trần Văn Quyết
Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ