12 hộ nông dân của xã An Hiệp và An Hòa tham gia mô hình là những hộ có ruộng canh tác lúa, rau màu và đang chăn nuôi gia súc, gia cầm, có mong muốn tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những hộ dân xung quanh.

Các hộ dân tham gia mô hình đã được cán bộ kỹ thuật của phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn cách tạo phân bón hữu cơ vi sinh. Theo đó, bà con cần chuẩn bị nguyên liệu là phân chuồng, xác bã thực vật (thân cây đậu, rơm rạ,…) kết hợp với phân lân. Các chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp được chặt thành đoạn ngắn (từ 10-15cm) trước khi cho vào ủ. Trải một lớp mỏng phân chuồng, xác bã thưc vật rồi tưới đều một lớp mỏng chế phẩm vi sinh Trichderma đã được pha loãng trong nước theo tỷ lệ 1 tấn phân chuồng hay xác bã thực vật sử dụng 2 kg chế phẩm sinh học Trichderma hòa với 6 - 7 lít nước để tưới lên bề mặt. Cứ thể ủ nhiều lớp, sau đó dùng tấm bạt che phủ.

Đống phân để ủ được thiết kế theo hình khối chữ nhật, có chiều cao khoảng 1-1,5 m để dễ đảo trộn. Sau đó tưới nước đủ độ ẩm cho đống phân, độ ẩm phải đạt khoảng 50-55%. Nên dùng bạt phủ màu tối để tủ kín che nắng, che mưa. Sau 5-7 ngày tiến hành đảo 1 lần. Sau gần 40-50 ngày có thể đưa vào sử dụng bón các loại cây trồng. Phân có kết quả tốt nhất là khi xác bã thực vật, phân chuồng đã phân hủy hết, khô ráo, không còn mùi.

Kinh phí thực hiện mô hình là 38.584.000 đồng. Nhà nước hỗ trợ chế phẩm sinh học, phân lân và các chi phí khác là 14.000.000 đồng, phần còn lại do nông dân đối ứng.

Mô hình sản xuất ra phân hữu cơ vi sinh tại chỗ giúp bà con nông dân tận dụng được nguồn phân chuồng, xác bã thực vật tại chỗ, tiết kiệm chi phí từ 30-50% mua phân hóa học để bón lót. Ngoài ra, phân hữu cơ vi sinh đã ủ với chế phẩm Trichoderma bón cho cây trồng sẽ giúp tăng hệ vi sinh vật có ích trong đất, tăng cao độ phì nhiêu cho đất, phòng được một số loại bệnh trên cây trồng do nấm gây ra, góp phần bền vững môi trường đất trong canh tác nông nghiệp.

Phan Chân Thuyên

Trạm Khuyến nông huyện Tuy An, Phú Yên