Để giúp người trồng cà phê Sơn La tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến trong đầu tư thâm canh cây cà phê để sản xuất bền vững, đạt năng suất, chất lượng và thu lợi nhuận cao, trong 02 năm (2010 – 2011) Công ty Cổ phần Chuyển giao Công nghệ cao và Doanh nghiệp tư nhân cà phê Minh Tiến đã phối hợp triển khai 03 loại mô hình bón phân Hữu cơ Khoáng Xanh (HCKX) cho cà phê với qui mô 03 ha ở cả 03 giai đoạn: Kiến thiết cơ bản, trẻ hoá vườn cà phê và giai đoạn kinh doanh. Tham gia mô hình có 18 hộ nông dân trồng cà phê tại các xã: Chiềng Ban (huyện Mai Sơn), Chiềng Pha (huyện Thuận Châu) và một số xã: Hua La, Chiềng, Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần,... (Thành phố Sơn La).

Phân bón HCKX là một trong những sản phẩm phân bón của Công ty Cổ phần Chuyển giao Công nghệ cao được sản xuất bằng công nghệ lên men tiên tiến, theo quy trình khép kín – hảo khí tốc độ cao trong thùng phản ứng sinh học (Bioreactor). Đây là sản phẩm phân bón chất lượng cao, được phép lưu hành trên toàn quốc theo Quyết định số 456/QĐ-TT-ĐPB ngày 19/11/2009 và quyết định số 25/QĐ-TT-ĐPB ngày 29/11/2010 của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & PTNT. Thành phần của phân bón HCKX gồm: Chất hữu cơ; Dinh dưỡng đa lượng: Đạm, Lân, Kali; Dinh dưỡng trung lượng: Ca, Mg, S,...; Dinh dưỡng vi lượng: B, Mo,... và một số vi sinh vật có ích. Tác dụng chính của phân HCKX là cung cấp nguồn dinh dưỡng hữu cơ mới cho đất, cải tạo đất; Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hoá chất hữu cơ (ủ phân chuồng, tàn dư cây trồng,: rơm, gốc rạ, lá và rễ cây); giúp cho bộ rễ phát triển nhanh, tăng cường khả năng chống chịu rét, sâu bệnh; giảm lượng phận hoá học đầu tư; tăng năng suất cây trồng và chất lượng nông sản; An toàn cho môi trường,...

Sau 02 năm triển khai thực hiện, mô hình bón phân HCKX cho cà phê tại Sơn La đã thu được kết quả bước đầu rất khả quan, được các hộ tham gia mô hình đánh giá cao. Các hộ cho biết: Khi sử dụng phân bón HCKX cho cây cà phê ở cả 03 giai đoạn theo đúng quy trình đã được hướng dẫn, cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt hơn, ít bị rệp đen và sâu đục quả; quả chín đỏ, chắc, năng suất thu hoạch cao hơn và đặc biệt, sau khi thu hoạch quả thì lá cà phê không bị vàng, không rụng, lá vẫn giữ được màu xanh, đất trồng cà phê tơi xốp hơn so năm trước và so với với các ô đối chứng không bón phân HCKX.

Bà Trịnh Thị Liên – Bản Phát – xã Chiểng Ngần – TP Sơn La cho biết: Được lựa chọn tham gia mô hình, gia đình bà sử dụng phân hữu cơ Khoáng Xanh bón lót cho cà phê kết hợp trồng xen cây họ đậu giữa 02 hàng cà phê mới trồng (giai đoạn kiến thiết cơ bản), cây ít bị sâu bệnh và phát triển mạnh hơn hẳn diện tích không bón phân HCKX, sau 12 tháng bón phân độ cao cây đã đạt gần 75 cm.

Ông Đặng Văn Hoàn ở HTX2 - xã Chiềng ban - huyện Mai Sơn đại diện cho các hộ thâm canh cao cho biết: Gia đình ông tham gia mô hình bón phân HCKX cho cà phê giai đoạn kinh doanh kết quả thu được: năng suất thống kê đạt 35,31 tấn quả tươi/ha; năng suất thực thu đạt 32,73 tấn quả tươi/ha; năng suất đối chứng đạt 27,5 tấn quả tươi/ha.

Còn ông Lò Văn Mẳn ở bản Hôm – xã Chiềng Cọ - Thành phố Sơn La đại diện cho hộ thâm canh thấp hơn cho biết: Gia đình ông tham gia mô hình bón phân HCKX cho cà phê giai đoạn kinh doanh kết quả thu được: năng suất thống kê đạt 30,89 tấn quả tươi/ha; năng suất thực thu đạt 28,00 tấn quả tươi/ha; năng suất đối chứng đạt dưới 25,00 tấn quả tươi/ha.

Tại hội nghị đánh giá kết quả sử dụng phân bón HCKX cho cà phê vùng Tây Bắc tổ chức ở TP Sơn La ngày 07/01/2012, đa số các hộ tham gia mô hình và các đại biểu dự hội nghị đều đánh giá cao hiệu quả của phân bón HCKX sử dụng cho cây cà phê và các hộ tham gia mô hình đều đăng ký trong các vụ tiếp theo gia đình vẫn tiếp tục sử dụng phân bón Hữu cơ Khoáng xanh cho cây cà phê. Tuy nhiên, để triển khai bón phân HCKX ra đại trà, đại biểu các ngành chức năng dự hội nghị cho rằng: Phân HCKX là sản phẩm phân bón mới, đề nghị trong thời gian tới Công ty Cổ phần Chuyển giao Công nghệ cao và Doanh nghiệp tư nhân cà phê Minh Tiến nên phối hợp với một số đơn vị trong ngành Nông nghiệp và PTNT Sơn La tiếp tục triển khai mô hình sử dụng phân bón HCKX cho cây cà phê ở một số địa bàn khác của tỉnh Sơn La để nhiều người dân trồng cà phê được tiếp cận nắm bắt kỹ thuật sử dụng loại phân bón mới này; Đồng thời để khẳng định thêm tính hiệu quả của phân bón HCKX cho cây cà phê; Tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ để nhân diện mô hình.

Thanh Nhàn