Với lợi thế hơn 1.600 ha diện tích rừng trồng và 172 ha diện tích cây ăn quả, trong đó cây nhãn, vải 120 ha, cây cam, bưởi 12 ha..., xã Thái Bình (Yên Sơn) đã khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Theo đó, xã vận động nhân dân thành lập Hợp tác xã, các tổ nhóm nuôi ong để hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi, cách làm thùng nuôi, cách chăm sóc, tạo ong chúa... và là nơi kết nối các hộ có cùng đam mê, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch mật ong.
Trong 03 năm (từ năm 2021-2023), từ nguồn kinh phí của Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, UBND xã Thái Bình triển khai thực hiện mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đã hỗ trợ 900 đàn ong nội giống Apis Cerena, 180 kg phấn hoa, 16,2 tấn đường, 18 thùng quay mật và bộ dụng cụ nhân đàn cho 18 hộ tham gia mô hình. Tổ chức 09 lớp tập huấn kỹ thuật, 05 hội nghị tham quan, tổng kết tuyên truyền nhân rộng mô hình cho trên 500 hộ nuôi ong và các hộ có nhu cầu nuôi ong mật trên địa bàn huyện.
Đến thôn 3 xã Thái Bình, hỏi thăm nhà ông Phạm Văn Hùng chắc không ai còn xa lạ bởi, ngoài việc trồng cây nhãn cho hiệu quả kinh tế cao thì ông đang là hộ của địa phương có thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng từ nuôi ong mật. Năm 2021 gia đình ông được lựa chọn tham gia mô hình nuôi ong mật và được hỗ trợ 50 đàn ong nội giống Apis Cerena. Qua quá trình chăm sóc nhân đàn, đến nay số lượng đàn ong của gia đình ông đã tăng lên 80 đàn. Theo chia sẻ của ông Hùng thì việc nuôi ong trong vườn cây ăn quả cũng không quá khó. Cụ thể là khi nhận ong giống về thì mình lựa chọn vị trí thích hợp trong vườn cây ăn quả để đặt thùng ong. Đến mùa hoa, ong sẽ tự bay đi kiếm ăn và hút mật xung quanh vườn cây ăn quả của gia đình cũng như vườn của những hộ lân cận, sau đó bay trở lại thùng ong để tạo ra mật. Trong quá trình đi hút mật hoa thì ong còn làm công việc thụ phấn cho hoa nên giúp cây đậu quả nhiều và kích cỡ cũng đồng đều, từ đó nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Vì vậy, phải nắm bắt được quy trình ra hoa của các giống cây, lựa chọn các loại hoa có giá trị dinh dưỡng cao, tạo mật tốt để cho ong hút nhụy tạo mật.
Cũng theo ông Hùng, thời điểm ong cho nhiều mật nhất từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, số lượng mật thu về khoảng 2,5 – 3,0 lít/thùng/tháng, riêng các tháng còn lại, ong vẫn cho mật nhưng số lượng ít hơn khoảng 1,0 -1,5 lít/thùng/tháng. Tuy nhiên, điều khó khăn đối với gia đình ông Hùng và các hộ nuôi ong trong xã là chưa có sự liên kết chặt chẽ trong việc tiêu thụ sản phẩm mật ong; năng suất và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Ông Trương Văn Hà, thôn 2 xã Thái Bình, cho biết, mặc dù có kinh nghiệm trong nhiều năm nuôi ong mật nhưng kỹ thuật tiên tiến về nuôi ong đạt sản lượng mật và đảm bảo đàn ong duy trì “quân số” ổn định thì ông Hà mới được tiếp cận từ năm 2022, khi Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ gia đình ông 50 thùng ong, giống ong nội giống Apis Cerena thuộc mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, ông Hà được cán bộ hướng dẫn các kỹ thuật trong việc tạo ong chúa, thay ong chúa, nhân đàn ong bằng thức ăn nhân tạo; quy cách thùng nuôi ong để ong phát triển tốt; cách phòng trị côn trùng thường gặp trên ong và cách điều trị khi ong bị bệnh. Bên cạnh đó, trong khâu thu hoạch mật ong, Trung tâm Khuyến nông cũng hướng dẫn việc thu hoạch mật ong, nhằm đảm bảo chất lượng mật và hỗ trợ việc kết nối liên kết tiêu thụ mật ong với giá bán cao hơn ngoài thị trường 5 - 7 %.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình, cho biết: Toàn xã hiện nay có khoảng trên 200 hộ phát triển kinh tế từ nuôi ong mật với trên 6.500 đàn, sản lượng mật hàng năm trên 50 nghìn lít. Trong đó có khoảng 100 hộ, với 2.100 đàn ong đã được liên kết, tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác. Thông qua hợp tác xã, các hộ nuôi ong được tập huấn, trao đổi, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi ong và thu hoạch mật, xây dựng sản phẩm mang đặc trưng mật ong Thái Bình, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2021, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu đã xây dựng và phát triển sản phẩm “mật ong Bình Ca” đạt sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao. Hiện nay, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã đã và đang liên kết với nhiều điểm, cửa hàng bán sản phẩm tại các huyện, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm mật ong. Đồng thời, phát triển mật ong Thái Bình thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong chiến lược quảng bá sản phẩm và phát triển du lịch của địa phương./.
Vũ Ngọc Tuyên
Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang