Mô hình giảm lượng giống gieo sạ được thực hiện bởi dự án “Nhân rộng mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa hàng hóa tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017-2020”. Vụ Hè Thu năm 2020, tại xã Nguyễn Văn Thảnh, mô hình triển khai với diện tích 40 ha/40 hộ, lượng giống lúa gieo sạ là 80 kg/ha, trong đó dự án hỗ trợ 50% lượng giống (tương đương 40 kg/ha), giống lúa được chọn là OM5451. Ngoài ra dự án cũng hỗ trợ 30% vật tư phân bón và dụng cụ sạ hàng.
Tại buổi hội thảo, nông dân đã nghe và xem các hình ảnh, video do cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân trình bày về phương pháp kỹ thuật đã áp dụng trong mô hình. Qua đó nông dân rất phấn khởi đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Nông dân phấn khởi vì hiệu quả mô hình mang lại
Ông Nguyễn Văn Di - Giám đốc HTX DVNN Thanh Bình phát biểu: “Vừa qua, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân, chúng tôi đã thực hiện mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong canh tác lúa với diện tích 3 ha. Đến giai đoạn này, lúa rất đẹp, không bị đổ ngã, ước năng suất đạt tầm 7 tấn/ha. Nhìn lại các khâu trong quy trình giảm giống gieo sạ, tôi nhận thấy khâu chuẩn bị đất, chang bằng mặt ruộng là quan trọng để việc kéo hàng thuận lợi và lúa phát triển tốt sau này. Các khâu còn lại cũng không kém phần quan trọng cho nên trong suốt thời gian sinh trưởng và phát triển cây lúa, tôi đã áp dụng đúng nên các đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện với mật độ thấp, giảm được 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình giảm giống gieo sạ rất hiệu quả”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thế, thành viên HTX DVNN Thanh Bình cũng nhận xét: “Vì lần đầu tham gia mô hình giảm lượng giống gieo sạ nên lúc lúa 7-10 ngày chúng tôi rất hoang mang vì lúa thưa, nhưng sau khi bón phân đến giai đoạn 25-30 ngày, lúa phát triển nhanh, đẹp nên chúng tôi rất yên tâm”.
Các đại biểu tham dự hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, ông Nguyễn Tuấn Huy - cán bộ trực tiếp theo dõi mô hình đã tóm tắt quy trình giảm giống gieo sạ trong sản xuất lúa, nông dân đồng tình và nhận thấy rằng việc giảm giống gieo sạ giúp giảm chi phí nhờ giảm lượng giống, giảm lượng thuốc hóa học, giảm phân bón, giúp tăng lợi nhuận. Trong mô hình các hộ dân cũng đã thấy rõ lượng phân trong mô hình có giảm 20,8 kg N+15,2 kg P2O5+8 kg K2O. Nếu tính trên nhiều vụ thì lượng phân giảm rất lớn, nông dân tiếp thu và ghi nhận. Ngoài ra ông cũng đánh giá HTX DVNN Thanh Bình có tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật giảm giống nên đã xử lý tốt lúa bị ngộ độc hữu cơ giai đoạn lúa đang làm đòng, trỗ, góp phần xây dựng mô hình đạt hiệu quả.
Để mô hình giảm giống ngày càng được mở rộng, nông dân kiến nghị chính quyền địa phương cần quan tâm đến việc liên kết doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân ổn định sản xuất./.
Thành Khải
TT Khuyến nông Vĩnh Long