Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong những năm qua hoạt động sản xuất tôm giống của tỉnh không ngừng được đầu tư và phát triển, số lượng cơ sở, doanh nghiệp (DN) và năng lực sản xuất ngày càng tăng, đáp ứng trên 35% nhu cầu tôm giống cung cấp cho hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với mục tiêu “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước”, phấn đấu sản lượng đến năm 2025 đạt 50 tỷ con và đến năm 2030 đạt 60 tỷ con, tỉnh chủ trương xây dựng đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất tôm giống trọng điểm của tỉnh; đồng thời, thu hút, tạo điều kiện cho các DN có năng lực, ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm tôm giống có chất lượng cao. Đồng chí cảm ơn Bộ NN&PTNT đã lựa chọn Ninh Thuận để tổ chức hội nghị, đây là dịp để tỉnh và các địa phương ven biển cùng các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, DN được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Hy vọng, sau hội nghị, công tác quản lý giống, phòng, chống dịch bệnh trên tôm nước lợ sẽ đạt nhiều bước tiến mới, hợp tác toàn diện, thúc đẩy sự phat triển chung của ngành tôm Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe một số đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT báo cáo kết quả về công tác quản lý giống tôm nước lợ năm 2022, giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống năm 2023 và các năm tiếp theo; kết quả kiểm dịch giống tôm nước lợ và xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh; đánh giá các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong chọn tạo giống tôm nước lợ; tình hình phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, công tác quan trắc môi trường nước. Đại diện cơ quan quản lý một số địa phương, các DN, hiệp hội tham luận về hiện trạng sản xuất, quản lý giống tôm nước lợ và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp công tác quản lý giống tôm nước lợ năm 2023 giữa các địa phương.

leftcenterrightdel
 Các địa phương ký kết Quy chế phối hợp công tác quản lý giống tôm nước lợ năm 2023

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Năm 2023, dự báo ngành tôm có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự bất ổn trên thế giới, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá các loại vật tư có thể tiếp tục tăng. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi công tác quản lý tôm giống phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, an toàn với dịch bệnh, góp phần đem lại hiệu quả sản xuất của ngành tôm. Đồng chí Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và địa phương tiếp tục thực hiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở tôm giống nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; ban hành hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ phù hợp theo đặc thù của từng khu vực, tăng cường quản lý chặt chẽ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm. Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong khâu chọn tạo giống, chuyển giao các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở, hộ nuôi; thường xuyên kiểm soát chất lượng tôm nhập khẩu và kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng tại các cơ sở; kiểm soát tốt dịch bệnh trên giống tôm trước khi cung cấp đến hộ nuôi./.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ năm 2023

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận