Chuỗi sự kiện Ngày hội đọc sách và Văn hóa đọc – khơi nguồn đổi mới sáng tạo phục vụ Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững diễn ra từ ngày 21 - 23/4/2023 với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi: Cuộc thi hùng biện, thuyết trình với chủ đề: “Đọc sách để thay đổi”, Lễ phát động phong trào đọc sách, trao tặng sách; lễ khai trương không gian đọc số Thư viện Khoa học công nghệ Bộ Nông nghiệp và PTNT; Tọa đàm với chủ đề: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; Tọa đàm chia sẻ: “Sách cho bạn, cho tôi” với chủ đề Sách với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; “Đọc sách trong thời kỳ kỹ thuật số”; Không gian sách dành cho trẻ em và gia đình; Tuyên truyền bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc tại Lễ phát động phong trào đọc sách, nâng cao văn hóa đọc, văn hóa làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành nông nghiệp và PTNT vào chiều ngày 21/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Tuy chúng ta chưa đạt đến mục tiêu “đất nước đọc sách” như kỳ vọng của xã hội nhưng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng mong muốn làm được một điều gì đó trong ngày hội đọc sách. Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thứ gia vị và sách vở cũng là một thứ gia vị trong cuộc sống. Sách làm cho cuộc sống của chúng ta tràn đầy màu sắc. Đọc sách để thấy mình nhỏ bé, để từ đó sẽ nghĩ đến những điều lớn lao.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tại buổi lễ 

Theo Bộ trưởng, thế giới ngày nay thay đổi nhanh hơn mức chúng ta tưởng tượng. Cái mới ra đời chưa kịp định hình, thì lại có cái mới hơn xuất hiện. Vì vậy, ông mong muốn, cán bộ công nhân viên chức và người lao động ngành nông nghiệp và PTNT cũng sẽ thay đổi và ông vẫn tâm đắc với câu nói “Ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để đi xa, bay cao, hay chúng ta chững lại, chấp nhận để ngọn gió xô đẩy?” Bộ trưởng cho rằng, muốn theo kịp và bứt phá, thì chúng ta phải vượt lên chính mình. Phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, nhất là xây dựng thái độ tích cực trong cuộc sống và trong công việc. Những điều ấy luôn có trong những trang sách.

Nền nông nghiệp nước nhà đã có những phát triển vượt bậc thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các đất nước phát triển. Những mô hình nông nghiệp tích hợp đa giá trị dựa trên đổi mới sáng tạo đặt ra yêu cầu cập nhật, điều chỉnh liên tục cho những mô hình nông nghiệp truyền thống đã quen thuộc. Bộ trưởng mong muốn, mỗi người hãy làm điều gì đó nhỏ nhất để khơi dậy, truyền cảm hứng cùng hình thành những cộng đồng đam mê đọc sách để khơi nguồn đổi mới sáng tạo.

Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã đón nhận rất nhiều quà tặng từ các nhà xuất bản, các đơn vị cho Tủ sách Thư viện của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời cũng nhân dịp này, để khuyến khích phát triển phong trào đọc sách và đưa sách về nông thôn; tạo dựng môi trường, không gian văn hóa đọc sách thuận lợi để thu hút, truyền cảm hứng, tạo thói quen đọc sách, Bộ Nông nghiệp đã khai trương không gian đọc số. Hy vọng, từ đây sẽ giúp người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận tri thức mới, từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo; khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

leftcenterrightdel
 Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Hoàng Đan nhận quà tặng từ các nhà tài trợ cho Tủ sách Thư viện Bộ NN&PTNT

Sau lễ phát động, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Tọa đàm "Sách: Nhận thức, đổi mới và sáng tạo" với sự tham dự của các diễn giả: Bộ trưởng Lê Minh Hoan, TS. Giản Tư Trung – Chủ tịch sáng tạo Học viện quản lý PACE, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE; TS. Phạm Hữu Lợi – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại buổi tọa đàm, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thế giới phát triển rất nhanh nên ai không đọc, nghĩ mình đã đọc đủ, đã hoàn thiện là chấp nhận đứng lại. Kiến thức, tri thức không ngừng thay đổi từng ngày nên không còn cách nào khác chúng ta phải học, phải đọc. Đọc sách sẽ kích hoạt sự tự tin trong mỗi người.

Trước câu hỏi của một nông dân: Bộ Nông nghiệp luôn muốn xây dựng một không gian sáng tạo trong nông thôn, đó phải chăng là không gian đọc. Vậy xây dựng không gian đó như thế nào? Bộ trưởng cho rằng: Đã đến lúc người nông dân của chúng ta không chỉ gắn mãi với hình ảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nông dân của chúng ta hiện nay phải thay đổi. Nông dân là chủ thể của nông nghiệp, nông thôn nên phải có tri thức. Bộ và các nhà khoa học sẽ nghiên cứu để tạo không gian cho nông dân, chuyển những kiến thức hàn lâm đi vào cuộc sống.

Trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc? TS. Giản Tư Trung nhận thấy: Lớn hơn văn hóa đọc là văn hóa học tập. Để học hiệu quả thì phải trả lời được câu hỏi “Đọc để làm gì?”. Đối với ngành nông nghiệp, văn hóa đọc phải xuất phát từ “khát vọng nông trí” của người nông dân, của ngành nông nghiệp và cao hơn, xa hơn là xuất phát từ “khát vọng phú cường” của quốc gia.

leftcenterrightdel
Tọa đàm "Sách: Nhận thức, đổi mới và sáng tạo" 

Các đại biểu dự Tọa đàm cũng được nghe những câu chuyện của thầy Phạm Hữu Lợi – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản. Từng có thời gian sống và làm việc khá lâu ở Nhật Bản, thầy Lợi đã nói về tình yêu với nông nghiệp, với thiên nhiên của người Nhật. Từ mô hình các trường cấp 3 đào tạo nông nghiệp tại Nhật Bản đã giúp thầy có được ý tưởng để xây dựng ngôi trường cấp 3 đầu tiên ở Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản suất đến chế biến nông sản thực phẩm tại tỉnh Nam Định.

TS. Vũ Dương Thúy Ngà thì cho rằng sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động tới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày nay thay vì đọc sách, mọi người lại đọc trên máy tính và điện thoại. Đối với xây dựng văn hóa đọc ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Ngà cho rằng sách ở nhà trường và ở thư viện đều ít nên cần có cả tài liệu in và tài liệu số. Cần phát triển các thư viện trường học ngay tại nơi sinh sống với sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thông qua các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT muốn khẳng định vị trí, vai trò của sách không chỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của người làm nông nghiệp mà còn tạo sự lan tỏa về những giá trị truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Bộ cũng khuyến khích phát triển phong trào đọc sách và đưa sách về nông thôn; việc tạo dựng môi trường, không gian văn hóa đọc sách thuận lợi để thu hút, truyền cảm hứng, tạo thói quen đọc sách. Qua đó, giúp người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận tri thức mới, từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo; khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

leftcenterrightdel
Lễ khai trương không gian đọc số Thư viện Khoa học công nghệ Bộ Nông nghiệp và PTNT 

 

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia