|
|
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tham dự chỉ đạo hội nghị. |
Trong những năm qua, việc tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật của nông dân thông qua các công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo và tập huấn, triển khai mô hình trình diễn đã cho thấy hiệu quả thiết thực, là một trong những giải pháp giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Cần Thơ (Trung tâm) đã phát hành được 14 bản tin gửi trạm khuyến nông các quận, huyện và đăng trên trang web của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức tập huấn được 260 lớp tập huấn chuyên đề trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trong đó trọng tâm là kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải với hơn 9.000 lượt người tham dự.
Việc xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông luôn là phương pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hiệu quả và thiết thực. Năm 2024, Trung tâm đã triển khai xây dựng 10 mô hình trình diễn khuyến nông như các mô hình sản xuất cây ăn trái, rau và nấm theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình tưới phun tự động trên cây ăn trái và cây trồng cạn thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình nuôi ghép các loại thủy sản trong ao, vèo để tận dụng thức ăn thừa trong góp phần giảm ô nhiễm môi trường; mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh…
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm cũng đã triển khai 3 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 3 huyện tham gia đề án với quy mô mỗi điểm từ 15-50 ha. Thông qua mô hình trình diễn góp phần tuyên truyền nhân rộng các giải pháp kỹ thuật về sản xuất lúa an toàn chất lượng cao như giảm giống, phân bón, giảm nước, giảm thuốc BVTV và giảm tổn thất sau thu hoạch. Qua đó, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân sản xuất lúa, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh.
Đánh giá chung cho thấy, các mô hình trình diễn trong năm qua triển khai hiệu quả là do những mô hình này thiết thực, phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn thành phố và là một trong những giải pháp giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Nông dân tham gia mô hình chịu khó học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cũng như tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật do mô hình đề ra.
Đối với mô hình trồng trọt, người dân có ý thức trong việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, sản xuất theo hướng an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Với các mô hình chăn nuôi và thủy sản đã góp phần đa dạng hóa các loại vật nuôi tại địa phương, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm nuôi góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần xử lý chất thải bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo trạm Khuyến nông các quận, huyện đã thảo luận, đóng góp cho báo cáo tình hình hoạt động khuyến nông, thuận lợi, khó khăn và thách thức của công tác khuyến nông tại địa phương, những định hướng xây dựng các mô hình khuyến nông và hoạt động thành lập tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông cũng còn gặp một số khó khăn như: (1) Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân chưa triệt để do thiếu vốn sản xuất, vốn đối ứng; (2) Thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; (3) Kinh phí cho hoạt động khuyến nông còn thấp so với yêu cầu hoạt động; (4) Tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những rủi ro trong sản xuất đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư sản xuất của người nuôi nhất là các hộ mới vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất (5) Giá cả một số loại vật tư, nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc và hóa chất tăng cao, chất lượng khó kiểm soát gây tâm lý bất an cho người nuôi…
Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hình thức tập huấn chuyên đề nông nghiệp theo hướng ứng phó và thích nghi trong điều kiện hạn, mặn cũng như các giải pháp xử lý chất thải trong môi trường. Xây dựng các mô hình khuyến nông sản xuất theo VietGAP, xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đô thị, nuôi ghép các loài thủy sản trong bể, ao, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm…Các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải phục vụ cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thành phố Cần Thơ./.
Bùi Thị Huyền Trang
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP. Cần Thơ