Theo số liệu điều tra, hiện nay số lượng thỏ nước ta vào khoảng 4 triệu con phân bố đều trên cả ba miền đất nước. Theo ông Hoàng Kim Giao, chăn nuôi thỏ có tiềm năng và triển vọng phát triển tốt do thịt thỏ ngon, ít béo, thức ăn cho thỏ dễ tìm, dễ chế biến. Bên cạnh đó chăn nuôi thỏ còn tạo được việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Ngoài cung cấp thịt, lông cho tiêu dùng thỏ còn được dùng nhiều trong thú y và trong y học, là con vật được nhiều nước trên thế giới dùng để kiểm nghiệm thuốc chế một vài loại vắc xin cho người và gia súc. Công ty Nippon Zoki Nhật Bản dùng thỏ làm nguyên liệu sản xuất một loại thuốc có tên là Newtropin để chữa bệnh Pakinson và bệnh stress cho con người, đặc biệt là người cao tuổi. Loại thuốc này rất đặc hiệu được sử dụng nhiều ở Nhật, các nước Châu Âu và Mỹ đang rất ưa chuộng loại thuốc này. Năm 2007, công ty Nippon Zoki Nhật Bản đã tiến hành hợp tác với Việt Nam xây dựng trại thỏ giống Newzeland Việt Nhật ở Ninh Bình nhằm phát triển thỏ giống Newzeland để cung cấp 1,5 triệu - 2 triệu con thỏ/năm. Hiện tại Công ty có 3 nhà máy (2 nhà máy tại Trung Quốc và 1 nhà máy tại Nhật Bản). Công ty đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy Công ty cổ phần Dược phẩm Nippon Zoki tại Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam, dự kiến năm 2014 sẽ hoàn thành. Khi đi vào hoạt động nhà máy này sẽ tiêu thụ 500 con thỏ/ngày (khoảng gần 2 triệu con thỏ/năm).

Phát biểu tại hội nghị, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc TTKNQG cho biết: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai dự án: "xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ quy mô nông hộ" giai đoạn 2012-2014, kinh phí 1,5 tỷ/năm. Với dự án này sẽ xây dựng 9 điểm trình diễn tại Ninh Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Mỗi điểm 20-50 thỏ sinh sản, tập huấn cho 540 người.

Để đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng chăn nuôi thỏ quy mô đầu con từ 5-6%/năm giai đoạn 2012-2015 và từ 7-8%/năm giai đoạn 2015-2020, cụ thể tổng đàn thỏ năm 2015 đạt khoảng 7 triệu con và năm 2020 đạt khoảng 10 triệu con. Sản phẩm thịt thỏ năm 2015 đạt khoảng 14.000 tấn, năm 2020 đạt khoảng 20.000 tấn cần phải chú trọng đến các giải pháp sau:

1. Chọn lọc, nhân giống tạo những giống phù hợp trên cơ sở trại thỏ giống Ninh Bình và Sơn Tây và các trại giống khác. Sử dụng giống thỏ Newziland làm giống chủ lực trong sản xuất kết hợp với các giống lai có năng suất và chất lượng cao phù hợp với đặc thù và thị hiếu từng vùng trong sản xuất.

2. Tuyên truyền, quảng bá những lợi thế của chăn nuôi thỏ trong sản xuất chăn nuôi và các giá trị của các sản phẩm từ thỏ đối với sức khoẻ của cộng động.

3. Mở rộng phạm vi nghề chăn nuôi thỏ trong cả nước và trên địa bàn có lợi thế cho chăn nuôi thỏ. Thành lập các Hội, chi hội, các liên minh HTX chăn nuôi thỏ. Kết nối những người chăn nuôi thỏ trong chuỗi ngành hàng các sản phẩm từ thỏ. Thúc đẩy chăn nuôi thỏ theo hai hướng: chăn nuôi thỏ công nghiệp và chăn nuôi thỏ hộ gia đình.

4. Thông qua hoạt động khuyến nông, hỗ trợ và phổ biến các tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi và chế biến thỏ cho các hộ nông dân.

5. Nghiên cứu chế tạo các loại thức ăn cho thỏ. Xây dựng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi thỏ.

6. Chế tạo vắc xin: Các quy trình phòng chống dịch bệnh thỏ

7. Xây dựng hệ thống thu mua chế biến thịt thỏ.

Thanh Huyền - TTKNQG