Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển được xây dựng và đưa vào sản xuất năm 1963 với công suất ban đầu là 2 vạn tấn phân lân nung chảy/năm. Trải qua trên 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay công ty đã nâng công suất lên 450 ngàn tấn phân bón/năm, bao gồm 300.000 tấn phân lân nung chảy và 150.000 tấn phân đa yếu tố NPK. Sản phẩm của công ty đã quen thuộc với nông dân cả nước và được xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaixia... từ trên 20 năm qua và hiện vẫn được các khách hàng tin dùng.

 

Theo ông Hoàng Văn Tại - TGĐ Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển về cho biết "Phân bón Văn Điển là loại phân đa chất dinh dưỡng, sử dụng tốt cho hầu hết các loại cây trồng như lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, lạc, các loại rau, các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, bông, mía, chè, dâu tằm... và các loại cây ăn quả, cây rừng... Lân Văn Điển thích hợp cho nhiều vùng đất, đặc biệt với vùng đất chua, trũng, lầy thụt, đất đồi dốc... mang lại hiệu quả cao". Cây trồng được bón lân Văn Điển không những mang lại năng suất cao, chất lượng nông sản tốt mà còn tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ ngã và sự khắc nghiệt của thời tiết. Đất được bón lân Văn Điển sẽ giảm độ chua, hạn chế rong rêu, không làm đất chai cứng giúp cải tạo đất làm cho đất tơi xốp. Sử dụng phân lân Văn Điển phối hợp khéo léo với các loại phân khác sẽ giữ được và gia tăng sự cân đối của các yếu tố dinh dưỡng trong đất, làm cho đất ngày càng tổt lên, tạo cho sản xuất nông nghiệp ổn định, khắc phục được nhược điểm "Sử dụng phân hóa học làm "kiệt đất" như lâu nay thường quan niệm.

 

Theo ông Hoàng Văn Tại - TGĐ Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển:

Phân bón Văn Điển là loại phân đa chất dinh dưỡng, sử dụng tốt cho hầu hết các loại cây trồng"

 

Theo ông Nguyễn Tử Siêm, phân lân Văn Điển không phải là phân hóa học, nguyên liệu sử dụng hoàn toàn là quặng, khoáng thiên nhiên, vì thế rất phù hợp với canh tác nông sản an toàn theo hướng VietGAP và GlobalGAP. Nhiều nước trên thế giới đã xếp lân Văn Điển vào loại phân hữu cơ cho nông nghiệp thân thiện môi trường. Để nâng cao hiệu lực phân bón chứa lân, ông lưu ý, có thể trộn ủ với phân chuồng, nên trộn trước lúc bón, không nên ủ lâu để tránh chất kiềm làm mất đạm; có thể trộn supe lân với lân nung chảy để bón sẽ rất hiệu quả, tăng năng suất cây trồng.

 

Tại Hội thảo, qua báo cáo về Hiệu lực phân lân nung chảy Văn Điển đối với lúa trên một số loại đất chính Việt Nam của GS.TS Bùi Đình Dinh - Hội Khoa học Đất Việt Nam cho thấy hầu hết đất trồng lúa ở Việt Nam đều là đất chua, hàm lượng lân tổng số và dễ tiêu trong đất đều nghèo, trừ một số vùng đất trong nhóm đất phù sa. Vì vậy bón phân lân nói chung, phân lân Văn Điển nói riêng cho lúa có tác dụng tốt, còn hiệu lực cao hay thấp tùy thuộc vào các yếu tố giống cây trồng, mùa vụ, phương pháp bón, trong đó loại hình giống có vị trí quan trọng. Theo GS. Dinh, khi ứng dụng một loại hình giống lúa mới, người nông dân cần biết về đặc điểm dinh dưỡng của giống đó, nhất là dinh dưỡng lân để bón phân lân có hiệu quả. Cần nghiên cứu tỷ lệ phối trộn giữa phân lân nung chảy và phân supe phốt phát thích hợp để làm nguyên liệu sản xuất các loại phân đa yếu tố phù hợp với các loại cây trồng chính trên các loại đất chính.

 

Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Chí – Nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội về Hiệu quả sử dụng phân bón Văn Điển trên đồng đất Hà Nội, từ lâu phân lân Văn Điển đã là người bạn thân thiết của nông dân Hà Nội. Từ năm 1997, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với công ty xây dựng các mô hình trình diễn phân bón đa yếu tố NPK với tất cả các loại cây trồng chủ lực của Hà Nội. Cụ thể đối với cây lúa cho năng suất cao hơn từ 11 - 19%; cây ngô cho năng suất cao hơn 9 - 11%... và đặc biệt cây lạc cho năng suất cao hơn từ 20 - 30%, có nơi còn cho năng suất cao hơn 50% (Theo báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón mới của Trung tâm Khuyến nông Hà Tây năm 1997 - 1998). Năm 2010 Hà Nội tiêu thụ 10.000 tấn phân đơn, 12.000 tấn NPK, năm 2012, con số tương ứng là 14.000 tấn và 17.000 tấn. Bón phân Văn Điển vừa làm tăng năng suất cây trồng, chất lượng nông sản được cải thiện do được cung cấp đầu đủ các chất đa, trung, vi lượng vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, ông đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, trong đó tập trung tăng cường tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sử dụng đối với từng loại phân bón, với từng loại cây trồng. Tập huấn cho bà con nông dân biết cách nhận biết và tính toán lượng phân bón thương phẩm của từng loại bón trên 1 ha dựa trên công thức khuyến cáo, tránh gây lãng phí. Tạo cho nông dân có thói quen nhận thức mới về phân bón và chất dinh dưỡng.

 

Kết luận tại Hội thảo, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Hội thảo là diễn đàn tích cực cho việc nhận diện những nét ưu việt của phân lân nung chảy Văn Điển và một số giải pháp sử dụng hiệu quả loại phân bón này cho từng loại cây trồng, loại đất. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền để người nông dân hiểu và áp dụng và sản xuất vì một nền nông nghiệp sạch và bền vững.

 

Hoa Trà