Tham dự và chỉ đạo hội nghị có ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chủ tịch Hội đồng Khoa học, Công nghệ của Bộ. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những đóng góp to lớn trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ lĩnh vực chăn nuôi - thú y thời gian qua. Ngành chăn nuôi đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, cung cấp các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (thịt, trứng, sữa, mật ong...), đưa Việt Nam từ chỗ thiếu thực phẩm đến nay đã cung cấp đủ và dư thừa cho tiêu dùng trong nước; một số sản phẩm đã xuất khẩu.
|
|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị |
Giai đoạn 2020-2023 đã có 31 tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, đưa vào sản xuất; có 317 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế, 478 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước. Với đóng góp to lớn đó, ngành chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng 2 giải thưởng Hồ Chí Minh và 3 giải thưởng Nhà nước.
Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được coi là chìa khóa vàng giúp ngành nông nghiệp đạt được hiệu quả cao. Các chương trình, dự án khuyến nông được triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực mà trọng tâm là chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ về giống, chăm sóc nuôi dưỡng, công tác quản lý, tự động hoá, công nghệ số trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi… Thông qua các chương trình, dự án, công tác đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền, đã lan tỏa những mô hình tiêu biểu, điển hình tiến tiến có hiệu quả để nông dân thăm quan, học tập và áp dụng; đưa nhanh những tiến bộ kỹ thuật được công nhận vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đã nâng cao hiệu quả sản xuất của nông hộ.
TS. Lê Minh Lịnh, PGĐ TTKNQG báo cáo tại hội nghị, từ năm 2020 đến nay việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khuyến nông trung ương được thực hiện thông qua 55 dự án lĩnh vực chăn nuôi - thú y. Các dự án đã giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tạo môi trường an toàn dịch bệnh, cung cấp các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và phát triển chăn nuôi bền vững. Một số mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế mô hình tăng 11-17,5% so với chăn nuôi truyền thống. Đây cũng là hoạt động cần thiết ở nhiều địa phương đang xây dựng Nông thôn mới để hoàn thành tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân.
|
|
TS. Lê Minh Lịnh, PGĐ TTKNQG báo cáo tại Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: chất lượng một số giống vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; chưa có nhiều nghiên cứu về chế phẩm sinh học, thảo dược thay thế kháng sinh; việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đặc biệt là giống vi sinh vật, giống vi rút dùng sản xuất vắc xin còn khó khăn; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y; thị trường tiêu thụ không ổn định; dịch bệnh đe dọa; công tác quản lý chất lượng giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế...
Để tiếp tục phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao; vật nuôi bản địa có lơi thế cạnh tranh, nghiên cứu, ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng công nghệ số nhằm bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh, truy suất nguồn gốc, theo hướng hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, công nghệ cao, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Một số thành tựu ngành chăn nuôi được triển lãm tại hội nghị:
Liên Hương
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia