Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa; đại diện Hiệp hội Hoa Đà Lạt; đại diện Phòng Kinh tế/Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX và một số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện/thành phố Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông… |
|
|
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận về “Ứng dụng số hóa trong sản xuất rau, hoa. Thuận lợi, khó khăn và giải pháp ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp”; “Giải pháp số hóa dữ liệu giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, cải tiến ngành nuôi cấy mô trong thời đại 4.0”; “Ứng dụng IoT và trí tuệ nhân tạo trong việc chuyển đổi số, phương pháp quản lý nước tưới và dinh dưỡng cây trồng” và “Giải pháp chuyển đổi số hàng đầu dành cho doanh nghiệp”…
Theo ông Trần Quang Duy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian vừa qua, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã ban hành hàng loạt các chiến lược, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy chuyển đổi số. Tại Lâm Đồng, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5731/KH-UBND và ngành nông nghiệp cũng đã ban hành Kế hoạch số 3072/KH-SNN triển khai thực hiện Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Để theo kịp cuộc cách mạng về chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số toàn diện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ sản xuất ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm, phát triển thương mại điện tử...
Đặc biệt, đối với ngành sản xuất rau, hoa là ngành có trình độ công nghệ được ứng dụng khá cao, với nhiều doanh nghiệp tiên phong tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới đặc biệt là công nghệ số đã từng bước có sự chuyển đổi mạnh mẽ, nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quy trình hoạt động. Qua thống kê từ các doanh nghiệp, tổ chức (chưa tính các hộ sản xuất đơn lẻ) đã có hơn 700 ha sản xuất đang ứng dụng đồng bộ hệ thống công nghệ thông minh (IoT) được nhập khẩu từ các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Hà Lan, Đài Loan, Italia, Pháp, Israel... Các hệ thống này bao gồm các cảm biến vi khí hậu, nồng độ dinh dưỡng, hệ thống chăm sóc cây trồng tự động và bộ điều khiển trung tâm thông minh quản lý, điều khiển toàn bộ quá trình canh tác. Đồng thời, người dùng có thể theo dõi, can thiệp quá trình canh tác ở bất cứ đâu thông qua hệ thống Internet. Qua đánh giá sơ bộ, việc sử dụng các công nghệ này đã giúp người sản xuất giảm 10-20% lượng thuốc BVTV, phân bón; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động; giúp tăng lợi nhuận 15-20% so với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông thường...
Qua hội thảo, đã giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quan về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Đa số đại biểu đều nhận định, chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất trong thời gian tới.
Văn Thọ
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng