Riêng về nông nghiệp, trên 7.614 ha bị ảnh hưởng (trong đó: 5.220 ha lúa; 1.849 ha màu; 544 ha cây công nghiệp, trên 8.000 cây ăn quả bị gãy đổ hoàn toàn….). Về lâm nghiệp, trên 4.610 ha bị ảnh hưởng (cây bạch đàn, keo, mắc ca, hồi, thông…).

 

Để chủ động trong công tác khắc phục, khôi phục sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của cơn bão số 03 và do mưa lũ, ngập lụt gây ra trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện những công việc sau đối với từng loại cây trồng, vật nuôi.

 

1. Đối với cây trồng

 

a) Đối với cây lúa, rau màu

 

- Huy động tối đa nhân lực, mọi phương tiện để nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tập trung tiêu úng, thoát nước cho diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập nặng, các diện tích cây trồng đến thời kỳ thu hoạch; Nước rút đến đâu khua rửa lá luôn đến đó.

 

- Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, kiểm tra đồng ruộng ngay sau bão; theo dõi tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý nhanh với những ảnh hưởng xấu của thời tiết, dịch hại gây ra.

 

- Cây lúa đang giai đoạn làm đòng - trỗ bông, cần khẩn trương khơi thông dòng chảy, thoát nước nhanh, buộc dựng lúa nếu bị đổ rạp, lưu ý dùng dây buộc túm 3-5 khóm với nhau thành hình chân kiềng để cho cây đứng theo chiều nghiêng của cây, không dựng ngược về phía sau, tránh hiện tượng gãy gốc. Sau khi trời tạnh ráo, tiến hành phun bổ sung phân bón lá có hàm lượng kali cao để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trỗ nhanh. Tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm các đối tượng các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra.

 

- Với những diện tích lúa bị mất trắng, không có khả năng phục hồi, cần vệ sinh đồng ruộng, rút cạn nước, chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu khác phù hợp với điều kiện của địa phương như: rau, đậu các loại, khoai tây đông, …

 

- Với diện tích rau màu bị ngập thời gian ngắn và cây còn nhỏ có khả năng phục hồi cần xới nhẹ mặt luống rau nhằm cung cấp ô xi cho bộ rễ, kết hợp phun bổ sung chế phẩm KH, siêu lân... khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi.

 

- Đối với diện tích rau bị thiệt hại hoàn toàn, vận động nhân dân thu gom, xử lý rau bị dập, thối, làm đất, chuẩn bị hạt giống rau màu để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày, đảm bảo không để tình trạng khan hiếm rau xảy ra.

 

b) Đối với cây ăn quả

 

- Đối với vườn cây ngập úng cần khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi líp, hố và vườn cây;

 

- Vệ sinh vườn cây sau bão, đối với những cây bị gãy cành thì cắt cành gãy, dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc chống nấm gốc đồng quét vào vết cắt để hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật gây hại; Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại; Đối với những cây bị thiệt hại nặng như trốc gốc, gãy nhánh nặng khó phục hồi, cần chặt hạ và có kế hoạch thay thế bằng cây giống chất lượng để trồng mới.

 

- Đối với những vườn cây đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.

 

- Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây; Những vườn cây quả đang trong giai đoạn phát triển, phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn,... để tránh hiện tượng nứt, rụng quả.

 

2. Đối với vật nuôi

 

a) Tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường.

 

b) Hướng dẫn người chăn nuôi

 

Người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật những bản tin dự báo thời tiết hàng ngày để có biện pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt nên tăng cường chăm sóc cũng như tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tăng khả năng chống chịu với những tác động bất lợi từ thời tiết cùng với sự đe dọa của các mầm bệnh nguy hiểm.

 

- Về chuồng nuôi

+ Thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi; tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh; di dời vật nuôi lên vùng cao ráo để tránh ngập nước; bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc đèn sưởi để giữ ấm cho vật nuôi; kiểm tra cống rãnh nước, nếu bị tắc phải thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi.

+ Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống và các dụng cụ chăn nuôi; tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả. Định kỳ 1-2 lần/tuần phun thuốc sát trùng để tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng nuôi.

 

- Thức ăn, nước uống

+Sau lũ lụt, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất nổi lên bám vào cỏ cây, sức khỏe của đàn vật nuôi giảm sút. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Cung cấp đủ nước sạch, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa … cho gia súc, gia cầm để tăng sức đề kháng.

+ Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục.

 

- Vệ sinh môi trường

+ Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi (tuyệt đối không được rắc vôi bột vào chuồng nuôi khi có gia súc, gia cầm ở trong chuồng).

+ Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

 

- Về Thú y

+ Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm đặc biệt cần phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như: uể oải, ủ rũ, kém ăn, lười vận động hoặc chết, cần kịp thời báo ngay cho chính quyền địa phương và trung tâm dịch vụ các huyện thành phố hoặc Chi cục Chăn nuôi và Thú y để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Khi gia súc, gia cầm ốm chết phải thực hiện khai báo theo quy định; đồng thời phải đào hố để chôn sâu, rắc vôi bột hoặc đốt có sự giám sát của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương; tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

+ Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm để tăng khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi. Hàng ngày, vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy định và có biện pháp xử lý sát trùng.

 

c) Rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt ...

 

d) Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu bò… Hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để tiến hành điều tra và xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

 

đ) Báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) những khó khăn, vướng mắc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác thú y của địa phương, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật gia súc, gia cầm trên địa bàn, để tổng hợp, đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT có phương án hỗ trợ kịp thời.

 

3. Đối với lĩnh vưc thủy sản

 

Sau mưa bão khi phát hiện cây lá rụng… ở các khu vực xung quanh đổ xuống ao cần thu gom, loại bỏ, tránh làm môi trường nước bị ô nhiễm. Điều chỉnh lượng thức ăn, hạn chế cho ăn khi có mưa lớn để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí; bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Sử dụng thuốc, chế phẩm vi sinh, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước (theo khuyến cáo của nhà sản xuất); nếu có thủy sản chết cần xử lý theo quy định.

 

a) Đối với ao nuôi trồng thủy sản

 

- Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.

 

- Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột nên rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10 kg/100 m2). Kết hợp bón vôi cho ao nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao, lượng vôi bón 0,7- 1 kg/100m3 nước.

 

- Tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

b) Đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản

 

- Kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép. Di chuyển lồng, bè về lại vùng nuôi (nếu trước bão phải di chuyển lồng, bè để tránh bão).

 

- Kiểm tra, vệ sinh hệ thống dây neo, phao lồng, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

 

- Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường và sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

c) Phòng bệnh

 

Trong mùa mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng “sốc môi trường” cho động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh. Một số loại bệnh thường gây ra cho cá nuôi xuất hiện như: các bệnh do ký sinh trùng (bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, nấm thủy mi, rận cá…), các bệnh do vi khuẩn, vi rút như bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột... để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

4. Đối với thủy lợi

 

- Tổ chức kiểm tra hiện trạng các hồ đập, công trình thuỷ lợi, tổ chức thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại của các công trình thuỷ lợi (đập, hồ chứa nước, trạm bơm...). Đối với các thiệt hại, hư hỏng nhỏ thì chủ động tổ chức khắc phục, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương đảm bảo khả năng dẫn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và các mục đích khác. Báo cáo, đề xuất sửa chữa kịp thời đối với các hư hỏng lớn đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả và an toàn.

 

- Tiếp tục theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết để đưa ra các phương án tích nước cho đập, hồ chứa hợp lý để đảm bảo an toàn, đồng thời tích nước để phục vụ cho sản xuất.

 

- Rà soát các quy trình vận hành, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp của các hồ, đập, nhất là hồ chứa nước Bản Lải để xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác vận hành các công trình thuỷ lợi.

TTKN Lạng Sơn