Tập huấn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với cơ giới hoá đồng bộ

Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hội Làm vườn tỉnh Nam Định đã triển khai lớp tập huấn: “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với cơ giới hoá đồng bộ” cho 30 học viên là cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông và khuyến nông cơ sở thuộc 3 huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ tỉnh Nam Định, từ ngày 22- 23/7/2022.

Ông Hoàng Văn Hồng - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại lớp tập huấn

 

Phát biểu khai mạc khoá tập huấn, ông Hoàng Văn Hồng - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là mục tiêu hướng đến của nông nghiệp nhiều nước trên thế giới và cũng là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. Việc cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa làm giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lao động thời vụ, tăng năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả sản suất, góp phần đổi mới tư duy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người sản xuất đang được toàn xã hội quan tâm.  

Nội dung bài giảng đã giúp học viên hiểu rõ hơn Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, trong đó nêu rõ sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Học viên nắm chắc kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ; áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong các khâu sản xuất từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản và lưu thông hàng hoá và đặc biệt lưu ý là cách vận hành máy móc trong sản xuất lúa hữu cơ để đảm bảo sản phẩm đầu ra phải đạt được các tiêu chí theo quy định.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc Công ty CP sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường đã hướng dẫn, chia sẻ nhiệt tình với học viên về tham quan thực hành trải nghiệm tại mô hình sản xuất lúa chất lượng cao áp dụng cơ giới hoá đồng bộ từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, chế biến, bảo quản và lưu thông sản phẩm do đơn vị ông thực hiện vụ mùa 2022.

Kết thúc 2 ngày tập huấn ông Nguyễn Văn Đăng, khuyến nông viên xã Liêm Hải huyện Trực Ninh phát biểu: “Những kiến thức học được từ thầy cô trong hội trường đến những trải nghiệm thực tế đã giúp chúng tôi vững vàng tự tin hơn trong tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại địa phương”. Ông cho biết thêm, trong vụ tới nhất định xã Liêm Hải sẽ có những cánh đồng sản xuất lúa liên kết theo hướng hữu cơ và hữu cơ để đông đảo nông dân tham quan và học tập.

Các học viên tham quan, trải nghiệm phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái

 

Tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm và marketing

Hội Làm vườn tỉnh Nam Định phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT I tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao năng lực về sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm và marketing” cho 30 học viên là cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông và khuyến nông cơ sở trong 2 ngày.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Giang, giảng viên - Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh được nhà trường phân công trực tiếp giảng dạy cho lớp tập huấn. Với kiến thức chuyên sâu, phương pháp truyền tải và kinh nghiệm thực tế của giảng viên, nội dung bài giảng đã thực sự cuốn hút và đáp ứng được nhu cầu của học viên. Sau bài giảng học viên đã hiểu kỹ về bản chất và vai trò của chuỗi giá trị nông sản, bản chất và hoạt động của chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị và các hình thức marketing. Từ đó học viên biết tổ chức thực hiện chiến lược và chương trình marketing, truyền thông và ứng dụng công nghệ vào quảng bá sản phẩm – một lĩnh vực rất mới với đa số học viên.  

BTC đưa học viên đi tham quan trải nghiệm thực tế tại mô hình nông nghiệp tuần hoàn, liên kết chăn nuôi lợn bằng thảo dược tại HTX chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tại đây học viên được ông Nguyễn Văn Thục - Giám đốc HTX giới thiệu về các mối liên kết trong sản xuất như liên kết sản xuất đậu tương, cám gạo…; liên kết sản xuất và thu mua các loại thảo dược như kim ngân hoa, quế, thảo quả…; liên kết giữa các hộ trong HTX; liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để vào các cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể và chiến lược truyền thông của HTX…

Toàn cảnh lớp tập huấn

 

Tại địa điểm tham quan học viên được thực hành pha chế dung dịch xử lý môi trường và pha trộn chế phẩm EM vào thức ăn cho lợn. Học viên được tham quan khu chế biến thức ăn, kho bảo quản các loại thảo dược kích thích tính thèm ăn, thảo dược phòng bệnh cho lợn, tham quan khu giết mổ không chạm đất, khu chế biến và đóng gói sản phẩm, tham quan cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX.

Ông Phạm Huy Toàn, cán bộ kỹ thuật nhưng đồng thời cũng là chủ một trang trại  nuôi trồng thuỷ sản tại xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ chia sẻ: sau khi được nghe giảng trên lớp và tham quan thực tế tại HTX chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái, tôi thấy rất bổ ích và thiết thực. Chúng tôi cần phải tổ chức được các mối liên kết trong sản xuất, sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm và quảng bá được sản phẩm trên nhiều kênh khác nhau nhằm lưu thông sản phẩm, để không bị rơi vào tình cảnh được mùa rớt giá./.

Đỗ Thúy Ngân

Hội Làm vườn tỉnh Nam Định