Trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức các lớp đào tạo và truyền thông tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế nhằm góp phần giảm thiểu, phòng ngừa, chống tình trạng lao động trẻ em tham gia sản xuất trên biển, nâng cao nhận thức cho cán bộ, ngư dân các địa phương ven biển.

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, lao động trẻ em vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Mặc dù luật pháp Việt Nam cấm sử dụng người lao động dưới 15 tuổi nhưng trong thực tế, trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn lẫn thành thị. Vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều và đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, có sự góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong nước và quốc tế

Nỗ lực của quốc tế

Trong Bộ luật Nhân quyền quốc tế, quyền trẻ em được quy định chủ yếu trong Công ước về quyền trẻ em (CRC, năm 1989) và hai Nghị định thư không bắt buộc bổ sung CRC được thông qua năm 2000 (Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang). Trong đó khái niệm “Trẻ em” được xác định là những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đây là một điều luật mở cho các quốc gia thành viên. Theo đó, các quốc gia thành viên có thể quy định các quyền trẻ em được bắt đầu ngay khi mang thai hay sau khi ra đời; và về độ tuổi được coi là trẻ em thấp hơn 18 tuổi so với quy định của CRC. Xoá bỏ lao động trẻ em còn được ILO đề cập trong Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động (thông qua tại Hội nghị lao động quốc tế lần thứ 86 họp tại Geneve tháng 6 năm 1998)

Quyền trẻ em được quy định dưới 04 dạng: Quyền được sống và phát triển, có họ tên và quốc tịch,...; Quyền tự do tiếp nhận thông tin, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo...; Trách nhiệm của cha mẹ và xã hội thực hiện các quyền trẻ em, có quyền và nghĩa vụ định hướng và đưa ra những chỉ dẫn phù hợp...; Trẻ em được bảo vệ khỏi sự bóc lột và lạm dụng tình dục, khỏi bị mua bán và bắt cóc, khỏi bị tra tấn và tước đoạt tự do, khỏi ảnh hưởng của xung đột vũ trang...

Nỗ lực của Việt Nam

Cùng với việc phát triển kinh tế, trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các bộ luật, luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990.

Ở Việt Nam, quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 (trực tiếp là các Điều 14, 15 và được hàm chứa trong một số điều khác), và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), năm 2013. Trong Hiến pháp năm 1992, quyền trẻ em được chế định trực tiếp trong Điều 40 và được hàm chứa trong một số điều khác. Hiến pháp năm 2013, quyền trẻ em được quy định trực tiếp tại khoản 1, Điều 37, cụ thể: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Quyền trẻ em cũng được thể chế hóa trong nhiều bộ luật và luật mà tập trung là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016.

Bên cạnh các quy định về quyền trẻ em, pháp luật Việt Nam còn dành các điều luật và quy định khung hình phạt đối với các hành vi bạo lực, xâm hại và phạm tội với trẻ em tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em

 

Thực trạng lao động trẻ em trong lĩnh vực ngư nghiệp

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác vẫn còn hiện tượng lao động trẻ em trong hoạt động ngư nghiệp. Trẻ em thường tham gia vào các hoạt động hỗ trợ bố mẹ, gia đình trong việc trông coi, thu gỡ, vận chuyển thuỷ sản... Việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, trong đó năng lực phát hiện và can thiệp của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và thanh tra lao động còn hạn chế. Việt Nam cũng gặp khó khăn như nhận thức của gia đình và chính trẻ em, của người sử dụng lao động và người môi giới lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến lao động trẻ em. Nhận thức của cha, mẹ, gia đình, trẻ em, người sử dụng lao động và người môi giới lao động về vấn đề lao động trẻ em còn hạn chế. Vấn đề nghèo đói, trình độ vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Nguồn lực đầu tư, bố trí kinh phí để triển khai chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn hạn chế từ Trung ương tới địa phương. Một số địa phương không phân bổ hoặc phân bổ kinh phí rất hạn hẹp để triển khai thực hiện chương trình. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, do vậy việc triển khai, thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn…

Giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em thời gian tới

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp bao gồm cả nhân công, các nhà sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp nên cần nhận thức rõ được chuỗi cung ứng là một hệ thống các hoạt động liên quan đến việc sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm. Việc sử dụng lao động trẻ em ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi cung ứng đều vi phạm pháp luật, sẽ dẫn đến các ảnh hưởng không tốt tới việc tiêu thụ sản phẩm và hình ảnh Việt Nam. Do vậy, giai đoạn tới đây Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, đặc biệt trong hoạt động sản xuất trên biển để các em có cơ hội được phát triển toàn diện và được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em.

Thứ nhất, cần hoàn thiện pháp luật, chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em... từ đó để bảo đảm sự gắn kết và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, cần kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em, mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em để phòng ngừa, phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời lao động trẻ em để bảo đảm các quyền của trẻ em hướng dẫn cụ thể, kịp thời việc tiếp nhận, xử lý thông tin; trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương. Hướng dẫn, vận động bố trí ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em. Tổ chức các đoàn kiểm tra của Ủy ban quốc gia về trẻ em tại các bộ, ngành, địa phương về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt đối với các nghề năng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên biển...

Thứ tư, tăng cường truyền thông trên nhiều kênh thông tin, giáo dục cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính trẻ em kiến thức về các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Vận động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân. Phát hiện, lên tiếng, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng về các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống lao động trẻ em, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em trong cộng đồng, gia đình và người sử dụng lao động; đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện, vận động các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không để trẻ em phải lao động kiếm sống.

Lớp tập huấn về nâng cao nhận thức phòng ngừa và chống lao động trẻ em tham gia hoạt động sản xuất trên biển do TTKNQG phối hợp với FAO tổ chức

 

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế, thông qua các dự án hợp tác quốc tế nâng cao nhận thức của trẻ em, gia đình và xã hội về quyền của trẻ em; tạo môi trường thân thiện với trẻ để tạo điều kiện cho trẻ em và gia đình tiếp cận giáo dục, dạy nghề, y tế, và các dịch vụ hỗ trợ khác, sử dụng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em để hỗ trợ, can thiệp đối với lao động trẻ em./.

Đặng Xuân Trường

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia